Khoa Diễm, phóng viên RFA -2010-12-06
Đối với nhiều người trẻ Việt Nam sinh sống ở những quốc gia khác từ khi còn nhỏ, hay những bạn được sinh ra trên xứ người, thì một trong những mong ước của họ là hiểu rõ về nguồn cội.
Ba học sinh lớp 3 gốc Việt đứng đầu Giải vô địch toán học Math Bee – 2010 tổ chức tại bang California
Trong chương trình Lối Sống Trẻ kỳ này, mời quý vị theo dõi một số bạn trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đang có những nỗ lực học hỏi, bảo tồn văn hoá Việt nhằm thỏa niềm mơ ước thấu hiểu nguồn cội của bản thân.
Lịch sử và văn hóa Việt
Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ sau cuộc chiến kết thúc hồi năm 1975, nhiều bạn trẻ gốc Việt đang sinh sống tại xứ người hết sức mập mờ về lịch sử Việt Nam. Lý do vì họ không được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục Việt Nam riêng biệt, cũng như không có đủ tài liệu để nghiên cứu.
Bạn Nguyễn Lee, 24 tuổi, đến từ bang Texas cho biết khi còn nhỏ bạn ấy chỉ được nghe về những câu chuyện kể của ba mẹ nhưng khi đến học đường thì không hề có môn lịch sử Việt Nam để bạn biết về nguồn cội của gia đình, bản thân.
Lee cho biết bạn đã băn khoăn rất nhiều về vấn đề này, Lee nói:
“Lịch sử của mình không nhiều mấy nên em phải đi tìm sách vở và đọc sách báo nhiều thì mới biết về lịch sử mình. Em phải nói chuyện với những người lớn tuổi trong cộng đồng Việt Nam ở đây.”
Với những băn khoăn, trăn trở về nguồn cội như thế, một số bạn trẻ không chỉ ngồi chờ mà chủ động tham gia vào hoạt động bảo tồn văn hoá trong cộng đồng người Việt như là một cách thức để giúp cho bản thân thấu hiểu gốc gác của bản thân, cũng như giúp cho các bạn đồng trang lứa cùng gốc Việt khác.
Paul Nguyễn và Roger Lê là hai trong số những ngươì như thế. Họ tham gia một tổ chức mang tên hội Bảo Tồn Văn Hóa người Mỹ gốc Việt, tiếng Anh là Vietnamese American Heritage Foundation, viết tắt VAHF.
Vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt không khá, nên Paul và Roger chỉ giới thiệu sơ về mình sau đó giải thích kỹ hơn về công việc đang làm bằng Anh ngữ.
“Tôi tên là Paul Khang Nguyễn và đã tham gia với hội VAHF khoảng 1 năm rồi. Tên em là Lê Minh Khiết, tên Mỹ là Roger, em là kỹ sư điện toán, em ở thành phố Austin, Texas.”
Hai bạn cho biết một trong những dự án lớn đầu tiên của hội là tiến hành thực hiện 1000 cuộc phỏng vấn đối với nhiều người từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Qua những phỏng vấn đó hội chọn được chừng 500 nhân vật từng trải qua những biến cố quan trọng tại Việt Nam.
Những người này được chia thành nhiều nhóm như: người Việt đến Mỹ từ trước năm 1975 để du học rồi ở lại, những người rời Việt Nam vào ngày 30/4/1975, những thuyền nhân, và các tù nhân chính trị. Những buổi phỏng vấn được ghi hình và thu âm nếu như được sự cho phép.
Một dự án lớn khác mà các thành viên VAHF thực hiện là vận động đưa chương trình giảng dạy lịch sử Việt Nam vào chính khoá của các trường đại học, bắt đầu tại Đại học Texas at Austin.
Một bạn trẻ từng tham gia khoá học đó là Diane Nguyễn cho biết đã học hỏi được rất nhiều từ lớp dạy về lịch sử Việt Nam; từ đó bắt đầu thích thú tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của cội nguồn Việt Nam.
Diane chia sẻ:
“Tôi tham dự lớp học về lịch sử Việt Nam vào học kỳ cuối của chương trình đại học. Trước đó tôi không quan tâm nhiều đến nguồn gốc của mình vì tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Cha mẹ tôi không nói nhiều về điều ấy nhưng sau khi tham dự lớp này tôi đã bắt đầu tìm tòi và khám phá. Tôi thấy thích thú và muốn biết thêm về lịch sử thời cận đại cũng như rất khát khao được tham dự những ngày lễ hội trong không khí cộng đồng.
Hội VAHF giúp tôi cảm thấy tự tin hơn khi nói rằng tôi là người Mỹ gốc Việt Nam và có một kiến thức cơ bản về dân tộc mình. Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và học hỏi thêm vì càng ngày tôi càng thấy lịch sử Việt Nam thú vị.”
Thêm vào đó, hàng năm, qua những sự kiện trong cộng đồng như dịp lễ Tết Nguyên Đán, Trung Thu các bạn đều tham gia. Đó là những thực nghiệm để các bạn có được những cảm nhận về sinh hoạt đời thường của người Việt.
Hội cũng kết hợp chặt chẽ với các tổ chức sinh viên Việt Nam, như Vietnamese Student Association, để quảng bá hình ảnh và văn hóa của Việt Nam đến các dân tộc khác trong trường như tham gia các đêm văn nghệ Asian Night với những điệu múa cổ truyền Việt Nam hay các hoạt động tương tự khác.
Bảo tồn văn hóa Việt
Một dự án mà các bạn trẻ trong VAHF nhắm đến là thành lập những thư viện Việt Nam trong các trường đại học và tại các thành phố lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ. Đây là nguồn để các bạn trẻ gốc Việt có thể đến để tự tìm hiểu, nghiên cứu những điều muốn biết về Việt Nam.
Xin phép được nhắc lại, hội VAHF ra đời vào năm 2004. Một trong những người sáng lập hội là bà Nancy Bùi. Bà kể lại những nỗi niềm ấp ủ, trước khi có cơ hội thành lập hội Bảo Tồn Văn Hóa người Mỹ gốc Việt, hay còn gọi là Vietnamese American Heritage Foundation, VAHF như sau:
“Đến Mỹ như là một thuyền nhân, chúng tôi có 2 con nhỏ. Trong suốt thời gian các cháu đi học, những khi được học các bài học về Việt Nam thì chúng tôi thấy là rất sai sót về nước Việt Nam tự do của chúng ta. Phần lớn những tài liệu họ dùng là của Việt Nam bây giờ hay là một số bài viết của người Mỹ viết ở đây cũng rất là thiên lệch.
Tôi đã đến nhà trường để tranh cãi với họ thì họ có nói với tôi một câu làm tôi phải suy nghĩ.
Họ nói rằng tôi tin những gì bà nói với chúng tôi là sự thật nhưng chúng tôi không có gì để tra cứu cả và cách học ở đây là phải trích nguồn. Từ câu trả lới đó đã khiến cho tôi nung nấu trong lòng là một ngày nào đó phải làm một điều gì đó để sự thật của người Mỹ gốc Việt chúng ta.”
Điều đáng chú ý là ngoài những người thành lập hội, phần lớn các thành viên đang ở tuổi 20, đến với hội là do sự thúc đẩy tìm hiểu về cội nguồi như Nguyễn Paul và Lê Roger.
Một nét đặc biệt nữa của hội VAHF là không phải tất cả các hội viên đều là người Mỹ gốc Việt.
Jason Wang, sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ với cha mẹ gốc Trung Hoa; tuy nhiên, em cho rằng các dân tộc Á châu có nhiều nét tương đồng và việc tham gia vào một chương trình như hội Bảo Tồn Văn Hóa người Mỹ gốc Việt sẽ giúp em hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình vì theo một khía cạnh nào đó, lịch sử Việt Nam với hơn 4000 năm văn hiến là một phần quan trọng trong lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Á châu nói riêng.
Trong tương lai tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và học hỏi thêm vì càng ngày tôi càng thấy lịch sử Việt Nam thú vị.
Diane Nguyễn
Đã có 4 năm thâm niên từ khi bén duyên với hội VAHF. Jason chia sẻ:
“Tôi nghĩ rằng một phần rất lớn của lịch sử người Mỹ gốc châu Á là lịch sử người Mỹ gốc Việt. Tôi tham gia vào hội là vì trong lúc còn học tại trường tôi đã họ lớp Văn hóa và Lịch sử người Việt gốc Mỹ và từ đó đã biết về hội. Tuy tôi không phải là người Việt Nam nhưng tôi cảm thấy rằng văn hóa Việt Nam và văn hóa cũng như lịch sử Trung Hoa có nhiều điểm tương đồng.
Đúng là tiếng Việt của tôi rất tệ và tôi không hiểu cặn kẽ những câu chuyện được kể lại như các người bạn gốc Việt của tôi, nhưng tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều khi tham gia vào chương trình này. Tôi nghĩ rằng phải hiểu biết lịch sử thì ta mới có thể hiểu được tại sao ta làm những việc ta đang làm và tương lai của ta sẽ ra sao dựa trên quá khứ của mỗi cá nhân, dân tộc hay một quốc gia nào đó.”
Những bạn trẻ này tham gia vào hội Bảo Tồn Văn Hóa người Mỹ gốc Việt vì muốn tìm hiểu về cội nguồn cho chính bản thân họ và qua đó truyền tải những gì tìm thấy được cho các bạn cùng trang lứa và có thể cho cả những thế hệ trẻ gốc Việt kế tiếp.
Góp ý Mới nhất