Thực hiện Phim Hành Trình Tìm Tự Do:New Orlean-Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Mardi Gras
on March 11, 2013 at 10:55 amNgày 30 Tết tại chợ “chồm hổm”
Chợ nằm trên con đường Alcee Fortier, kế khu thương mại cũ kỹ của làng Versaille. Nơi đây còn một ngôi thánh đường nhỏ do các vị linh mục và giáo dân lập nên từ những ngày đầu người Việt mới đến. Gọi là chợ “chồm hổm” vì người bán bày những hàng hoá ngay trên mặt đường, và người mua phải ngồi xuống để lựa hàng . Hàng hoá từ những bó rau, đến cây kiểng, thịt cá, đến những vịt, gà, ngỗng, thỏ còn trong chuồng,. Đến những đồ ăn đã được chế biến như giò chả, dưa chua, đậu hũ,… Đặc biệt, phiên chợ Tết còn có những gian hàng bánh chưng, mứt, pháo, hoa, cây kiểng, và một ít y phục mới cho trẻ em.
Bà Hồng Bùi cùng với chồng là ông Y Bùi và hai người con: cô Tuyền Bùi có mặt với vị hôn phu, anh Dan Camarillo, một người Mỹ gốc Tây Ban Nha, và người con trai Hiếu Bùi một người trẻ đang đi học và mơ ước trở thành một kịch sĩ, đang được vây quanh bởi khách đi chợ. Bà Hồng cho biết chợ “chồm hổm” này bao năm qua đã giúp cho vợ chồng bà nuôi đàn con 10 đứa học nên người. Bà cũng cho biết tất cả những trái cây, hoa và cây kiểng do chính ông bà trồng trong vườn. Bà tâm sự:
“Chúng tôi không muốn đi đâu hết. Ở đây là nhà, là quê hương thứ hai.”
Hiếu Bùi, tiếp lời: “Con cũng sẽ ở lại đây, để tiếp nối truyền thống này của cha mẹ.”
Gian hàng bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, những sản phẩm ngày Tết của chị Kiều Loan cũng được khách vây kín. Chị Kiều Loan cười thật tươi:
“Ở đây có tình người, có sự yêu thương và đùm bọc mà tôi không tìm thấy ở nơi nào.”
Ông Thoan Phạm và ông Vũ Hùng là hai khách đi chợ Tết 30 cho biết họ rất ít đi chợ “chồm hổm” vì bận việc, nhưng hôm nay cũng ra đây để hưởng không khí Xuân. Theo hai ông thì chợ “chồm hổm” là một cách sống (way of life) của người Việt ở tại làng Versaille, New Orleans. Người Việt tại đây ít trồng cỏ, sân trước họ trồng hoa, cây kiểng, sân sau họ trồng rau. Một số các cụ đem rau trong vườn ra bán, phần đông không phải vì họ cần tiền mà vì quen với cảnh sinh hoạt này không thể bỏ được. Tiền họ kiếm được là để đóng góp cho nhà thờ, chùa, các tổ chức thiện nguyện, hay gửi về VN giúp người nghèo khổ.
Dù là để mưu sinh hay chỉ để sống với quê hương Việt Nam trên đất Hoa kỳ, những người bán, kẻ mua quyết tâm ở lại đây để giữ ngôi chợ “chồm hổm” này bằng mọi giá. Chính quyền địa phương đã khổ công bao lần để dẹp đi vì lý do vệ sinh an toàn thực phẩm và thuế má, nhưng chợ dù có bị thu nhỏ đi nhưng không dẹp được. Ống kính của Nghĩa Trần, chuyên viên quay phim của VAHF đã làm việc liên tục để ghi nhận những sinh hoạt đặc thù có một không hai của người Việt New Orleans.
Đêm giao thừa tại Làng Việt Nam, New Orleans
Thánh lễ giao thừa tại nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam, với những nghi lễ truyền thống có dâng hương, có màn vũ dâng của lễ với lễ phục cổ truyền: áo dài gấm đỏ khăn rộng vành cho phái nữ, áo dài gấm hoặc the, khăn đóng cho nam giới đã khiến buổi lễ đượm màu sắc dân tộc. Lễ vừa chấm dứt, giáo dân tràn ra sân nhà thờ để xem tràng pháo mừng Xuân Quý Tỵ dài như không muốn dứt nổ vang. Khói pháo nồng nặc, xác pháo đỏ bắn tung toé, đoàn lân biểu diễn những màn ngoạn mục, gây cấn và hấp dẫn nhất trước nhà xứ. Cha chánh xứ Nguyễn Văn Nghiêm đứng trước cửa với phong bì lì xì dày cộm dành cho đoàn lân. Đêm giao thừa tại đây không khác gì đêm giao thừa tại một xứ đạo VN ngày xưa trước năm 1975; ồn ào, nhộn nhịp, nét mặt mọi người hân hoan vì Xuân vừa đến, trẻ con vui mừng với những bao lì xì. Không khí này tại Việt Nam hôm nay cũng không có được vì tin tức từ quê nhà cho hay Xuân tại VN bây giờ không có pháo nổ vì đã bị cấm.
Trong khi đó tại Trung tâm Phật giáo Vạn Hạnh, buổi cầu kinh giao thừa cũng thu hút hàng trăm người tham dự. Cảnh múa lân và đốt pháo cũng thật tưng bừng. Cuối lễ, sư cô Thanh Trang, trụ trì chùa cũng đã phát lộc cho mọi người. Tiếng mõ, tiếng chiêng ngân vang báo hiệu Xuân Quý Tỵ đã đến.
Và tại Chùa Bồ Đề do Đại đức Thích Thông Đức trụ trì, cũng như chùa Liên Hoa của Thượng Toạ Thích Nguyên Tâm, Phật Tử đã tề tựu đông đủ trước từ sớm để tham dự lễ đón giao thừa, nhận lộc đầu Xuân trong niềm hân hoan. Khói hương tỏa nghi nghút với mùi pháo thơm nồng. Một năm mới thật sự đã bắt đầu.
Lễ Hội Mardi Gras và người Mỹ gốc Việt New Orleans
Đoàn quay phim theo chân một số người Việt xuống trung tâm thành phố New Orleans vào ngày thứ ba, ngày bế mạc cũng là ngày đông đảo nhất mặc dù Lễ hội Mardi Gras năm nay 2013 được bắt đầu từ thứ bảy 19 tháng 1, 2013 với cuộc diễn hành Krewe du Vieux tại French Quarter. Mardi Gras dịch từ tiếng Pháp nguyên thủy là “Thứ Ba Béo”, và người Mỹ gọi là “Fat Tuesday,” một lễ hội có từ đầu thế kỷ thứ 18 tại New Orleans do ảnh hưởng của truyền thống Công giáo (Thứ Ba Béo được tổ chức trước ngày thứ tư Lễ Tro, người Âu Châu tổ chức lễ hội này để ăn uống và để mặc trang phục hoá trang của vua chúa, hoặc bất kỳ loại trang phục nào mà khách của lễ hội thích thú để vui chơi trước khi vào mùa chay, kiêng thịt của nhiều tuần lễ trước ngày Chúa chịu chết). Mặc dù Mardi Gras được tổ chức nhiều nơi trên nước Mỹ, New Orleans tổ chức Mardi Gras lớn nhất, lôi cuốn hàng triêu người. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về lễ hội Mardi Gras qua link: http://en.wikipedia.org/wiki/Mardi_Gras
Đặc biệt, hằng năm, các hội tham gia Mardi Gras chọn một đề tài để cùng học hỏi và bàn thảo, rồi đến chiều tối thì có bữa tiệc theo hình thức vua chúa của Mardi Gras. Năm nay, hội Atlanteans Mardi Gras Krew, một hội lâu đời và có uy tín nhất đã chọn chủ đề về nước, với những giòng sông lớn trên thế giới. Anh Phạm Duy Văn, một người trẻ, nguyên chủ tịch cộng đồng người Việt New Orleans và anh John-Hòa Nguyễn, một nhà kinh doanh địa ốc tham gia rất nhiều vào những sinh hoạt của cộng đồng đã vận động đưa giòng sông Mê-Kông và đồng thời nói lên lý do sự có mặt và những đóng góp to lớn của người Việt nam tị nạn Cộng sản tại New Orleans. Ông Vaughan Fitzpatrick, captain của hội đã lấy hình ảnh làng xóm Việt Nam, với đầu rồng làm tấm bình phong cho buổi tiệc, và viết lên bài thơ “From The Mekong” để dẫn nhập chương trình. Sự dấn thân và thành công của dân tộc Việt đã đem người Việt Nam và người Mỹ đến gần với nhau, và tạo nên một mối giao tình thân thiết. Đây là một bước tiến vào giòng chính đáng ghi nhận của người Việt tại New Orleans.
“Những hồi tưởng đau buồn về vùng “Kinh Tế Mới”
Để tránh kẹt xe, đoàn quay phim VAHF dậy từ 5 giờ sáng để đi từ căn nhà sát bên hông của Nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam, thuộc phía đông ngạn của giòng sông Mississippi, căn nhà nằm trên đường Tự Do, là một trong gần 10 con đường mang tên Việt Nam trong giáo xứ, của anh Lương Nguyễn và chị Phượng Nguyễn đã có nhã ý dành cho đoàn quay phim tá túc trong suốt thời gian một tuần lễ ở đây, để đến cửa tiệm tạp hoá của anh chị Chánh Nguyễn và Liên Đoàn nằm trên đường số 2, ngay trung tâm thành phố New Orleans.
Khoảng sáu giờ sáng thì đoàn quay phim tới quán Mega. Khách mua hàng đã bắt đầu tấp nập anh Chánh, chị Liên và hai cháu trai là Nguyễn Vũ Duy vừa xong đại học ngành Quản Trị Kinh Doanh và Nguyễn Thiên Vũ đang học năm thứ ba cũng ngành Quản Trị Kinh Doanh tại Đại học New Orleans, đã có mặt để giúp đỡ cha mẹ phục vụ khách hàng trong dịp đông khách nhất trong năm. Ngay trước cửa tiệm đã tụ tập một đám đông với trang phục hoá trang như những thổ dân, hay những con khủng long khổng lồ, mặt bôi phấn trắng xoá và nhảy múa theo điệu nhạc náo động của một ban nhạc lưu động, thật ồn ào, thật náo nhiệt.
Anh Chánh, Duy và Vũ trông coi tiệm, trong khi chị Tuyết Trần, thủ quỹ của hội VAHF đã phỏng vấn chị Liên để chị Liên có thể kể lại những kinh nghiệm của chị và gia đình chị đã phải trải qua những ngày cơ cực tại vùng kinh tế mới sau năm 1975 ra sao. Gia đình chị dù chỉ là gia đình chưa được kể vào hạng trung lưu, nhưng đông con, đã bị đưa đến đó, vùng rừng núi Long Khánh để phải vừa gỡ mìn, vừa phá rừng, lập nương lúa, nương khoai. Những người dân tại khu kinh tế mới này phải vào rừng chặt cây, chặt lá tràm để làm chòi ở. Với cuốc xẻng, với tay trần họ đào giếng lấy nước uống và sinh hoạt. Bao nhiêu người đã chết hoặc mất một phần thân thể vì mìn nổ, vì sốt rét rừng, vì bệnh tật và đói. Giọng chị Liên nghẹn nhiều lần khi nhắc đến cảnh chị tìm được ba người em nhỏ ôm nhau run rẩy tại căn chòi trong rừng sâu. Chưa em nào nào đủ 10 tuổi. Đó là sự thật của thiên đường mà người CSVN hứa đem đến cho người dân và nhất là thiếu nhi VN.
Hôm nay sống tại vùng đất tự do làm công việc bận rộn và cũng khá nguy hiểm vì cảnh trộm cướp tại những vùng nghèo khó tại New Orleans, anh chị Chánh đã tạo được cuộc sống tươm tất cho con cái. Ước mơ của anh chị là khi cháu nhỏ ra trường, anh chị có thể thong thả hơn để làm những việc thiện nguyện, giúp đỡ những người nghèo khó và giải thích cho thế hệ con cháu biết những gì đã xảy ra cho Việt Nam sau 1975 và đó chính là lý do vì sao người Việt phải bỏ nước ra đi.
Đoàn quay phim sau đó đã theo đoàn diễn hành đi vào thành phố hướng về French Quarter bên giòng sông Mississippi, quãng đường đi bộ dài trên 3 dặm Anh, từng đoàn xe hoa, hàng ngàn những khách trong trang phục hoá trang đủ kiểu, đủ màu sắc ngập các lòng đường. Họ ngồi trên các xe hoa thả những món quà cho khách đi bộ. Những vòng chuỗi nhiều màu sắc và những món quà từ những thú vật nhồi bông cho đến những chiếc ly bằng mủ sặc sỡ…Ống kính của Nghĩa Trần chuyên viên quay phim làm việc liên tục với sự tiếp tay của chị Long Mai, thiện nguyện viên của hội. Chị Tuyết Trần chụp hình tới tấp. Họ như nhập cuộc với lễ hội tưng bùng, náo nhiệt. Tiếng nhạc inh ỏi, tiếng la, tiếng hét, tiếng cười không dứt.
Chúng tôi gặp một nhóm người Việt trẻ trên 10 người đến từ Baton Rouge, thủ đô của tiểu bang Louisiana, cách New Orleans khoảng 80 dặm Anh về hướng Tây Bắc. Trưởng nhóm là em Hân Nguyễn vui vẻ cho biết năm nay là năm đầu tiên em tham dự và: “Chúng em thấy vui lắm, năm tới sẽ đi tiếp”.
Việt Ngư phủ tại New Orleans, “cha truyền nhưng con không nối”
Chúng tôi được anh John Hoà Nguyễn và cô Nguyễn thị Anh Đào, phối trí viên của hội Ngư Phủ Á Châu, (SouthEast Asia Fisherfolks Association) còn gọi tắt là SEAFA, một tổ chức thiện nguyện giúp ngư phủ, đưa chúng tôi xuống vùng biển Buras để thăm anh chị Phong Nguyễn và được anh chị đưa tàu ra khơi để cào tôm và nói chuyện về những vui buồn của đời ngư phủ.
Anh Phong đã chia sẻ về chiến tranh VN đã cướp của anh gần hết người thân; những người gần nhất gồm cha anh, hai người anh ruột và một người anh rể. Anh theo giòng người Việt tị nạn sang Mỹ năm 1975 và chọn New Orleans làm ngư phủ để sinh sống. Sóng gió, bão táp đối diện hàng ngày nhưng cơn bão Katrina vào cuối tháng 8 năm 2005 đã thay đổi đời sống của anh Phong và gia đình anh rất nhiều. Anh Phong bây giờ làm cho Coast Guard, cơ quan an ninh vùng vịnh Mễ Tây Cơ và dọc bờ biển Florida. Nghề cào tôm chỉ còn là phụ với vợ vào cuối tuần. Anh Phong tâm sự:
“Mỗi ngày luật lệ mỗi nhiều. Ngư phủ Việt Nam ít tiếp xúc với bên ngoài nên tôi là một cầu nối với hy vọng giúp chính quyền giải thích và áp dụng luật lệ cũ, mới dành cho ngư phủ. Công việc rất phức tạp”.
Chiếc tàu Princess Kim được đặt bằng tên của người con gái út của anh chị đưa chúng tôi ra khơi khi bầu trời đầy mây xám và cũng có một vài giọt mưa lất phất, nhưng biển tương đối yên. Đi một khoảng không xa lắm mặt biển có những hàng cọc dài lô nhô, anh Phong giải thích đó là dấu vết còn lại của những khu nhà nghỉ hè sau khi bị cơn bão cuốn trôi. Anh phong cho biết trước khi bị bão Katrina vùng này là một xóm nhà sàn nhộn nhịp đầy những du thuyền vui chơi, sầm uất.”
Kế đến là những cọc cắm theo hàng, anh Phong cho biết đó là của những người nuôi sò (oysters) vào những tháng cửa biển bị đóng từ sau Noel cho tới tháng 5, ngư dân ở đây bắt sò nên lợi tức ổn định hơn.
Princess Kim đưa chúng tôi ra khoảng 10 dặm Anh, giáp biển lớn, anh chị Phong cho tàu chạy chậm và bắt đầu buông chả và lưới hai bên tàu để cào tôm. Sau đó, anh chị cho tàu chạy khoảng 30 phút và kéo lưới lên. Dù chỉ là kéo lưới cho đoàn quay phim để biết được sinh hoạt, lưới kéo lên cũng có khoảng trên 20 cân Anh tôm, cá, cua, mực tươi đang nhảy soi sói,… ống kính của Nghĩa Trần không rời những động tác thoăn thoắt của anh chị Phong. Chị Tuyết, chị Long, anh Hoà và cô Anh Đào xúm đến lưới tôm cá.
Nghề đánh cá vùng vịnh Mễ tây Cơ này kiếm ăn cũng khá, nhưng con cái, thế hệ thứ hai của gia đình anh Phong không có ai nối nghiệp một phần vì sóng gió cực nhọc, phần khác tuổi trẻ bây giờ thích theo các ngành y khoa, luật, kỹ thuật, kinh doanh,…và họ đã và đang thành công rất vẻ vang và thay đổi được cuộc sống cực nhọc của cha ông. New Orleans gần 38 năm qua đã sản sinh hàng ngàn bác sĩ, luật sư, kỹ sư, nhà kinh doanh thành công mọi ngành. Khác với ngư phủ Mỹ tại đây, hầu hết con cái họ nối nghiệp cha qua nhiều thế hệ. Do đó, đối với hầu hết ngư phủ Việt ở đây: “Nghề biển cha truyền nhưng con không nối.”
Những thiệt thòi của ngư phủ người Mỹ gốc Việt.
Tuy thế, ngư phủ VN hiện chiếm trên 70% tổng số ngư phủ vùng biển Buras, Venice của tiểu bang Louisiana, những ngành nghề liên hệ như vựa bán sỉ tôm cá, lột vỏ sò, đóng cua hộp …người Việt chiếm khoảng 90%. Có thể nói hải sản vùng này đã nằm trong tay của nguời Mỹ gốc Việt. Những người đã và đang đóng góp phần quan trọng vào ngành hải sản của Louisiana.
Nhờ sự giới thiệu của Linh mục cố vấn, cha Michael Hoàng Nam, đoàn quay phim sau đó đã đi theo những ngư phủ sống chết với nghề đánh cá từ mấy chục năm qua.
Anh Nguyễn Phương và chị Tuyết, chủ nhân con tàu Bay Star, người đã nhiều lần toan “chôn tàu xuống, lại đào tàu lên”, vừa cười, vừa tâm sự: “Tôi làm nghề này cũng mấy chục năm qua. Bao lần đã bỏ nghề đi bán bảo hiểm, làm nghề bán tiệm,…nhưng cuối cùng lại trở lại nghề “nhất đâm hà bá” này vì tuy cực nhọc nhưng một năm làm hơn sáu tháng. nếu không gặp bão tố thì kiếm cũng khá và nghề tự do, không lệ thuộc ai. Ở tuổi 60 của tôi, tôi thấy thoải mái nhiều.”
Anh Nguyễn Hùng, tuổi trên 40 và vợ là Kế Nguyễn, là một trong những ngư phủ trẻ, những người sẽ còn nối tiếp nghề biển một thời gian dài tại vùng vịnh này cho biết anh sang Mỹ năm 1988. Học xong trung học tại Indiana thì về vùng biển này năm 1992, được ba má giúp tiền mua tàu, lúc đầu là tàu nhỏ chỉ có thể đánh bắt gần bờ. Bây giờ vợ chồng anh đã sắm được chiếc Two Son lớn hơn, chứa được nhiều dầu hơn để đi xa hơn. Ngoài mùa đánh bắt, anh chị còn làm sò kiếm thêm lợi tức.
Anh Trí Huỳnh và vợ là Nguyễn thị Nhàn hiện là chủ chiếc tàu Captain Dominique, đã trải qua nhiều cơn bão nhưng cơn bão Katrina là nặng hơn cả. Bão thổi bay nhà anh không còn một dấu vết, bão đẩy thuyền anh lên trên bờ, không bị hư hại nhưng khi Coast Guard, cơ quan an ninh vùng vịnh gắp tàu anh trả xuống biển họ đã làm hư hại và bóp tàu của anh chị thành sắt vụn. Người viết hỏi anh tại sao Coast Guard làm như vậy? Trước khi làm họ có báo cho anh không và anh chị có được bồi thường gì không? Anh Trí tâm sự trong giọng nói vẫn còn uất ức dù sự việc xảy ra từ gần 8 năm qua:
“ Họ có báo nhưng không rõ ngày, chỉ nói là khoảng thời gian đó mà thôi. Tôi ngày nào cũng xuống để canh chừng. Chỉ có ngày mùng một Tết tôi về New Orleans để tết ông già vợ, đó chính là ngày họ tới dể làm công việc này. Tôi tin rằng đã có sự đối xử phân biệt. Tôi đã làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được cứu xét, và tôi đã bị mất trắng!”
Đối với ngư phủ, chiếc tàu là nồi cơm. Giá một con tàu chạy được cũng phải tiền trăm ngàn trở lên mới ra khơi đánh bắt được. Nghĩ lại những chi phí bừa bãi của những cơ quan hữu trách cứu trợ Katrina vào những năm đó như hàng trăm triệu dùng cho việc mua những căn nhà tiền chế sau một thời gian ngắn đã vứt bỏ la liệt, hàng nhiều chục triệu để mướn chỗ từ các du thuyền những nạn nhân của cơn bão đã không đến trú ngụ vì nó không tiện lợi,…và còn bao nhiêu những chi tìêu vô lối, những thất thoát khổng lồ. Nhìn lại những ngư phủ, đời sống gắn liền với biển khơi, cơn bão đã cướp đi phương tiện sinh sống duy nhất của họ, thì lại bị từ chối bồi thường, giúp đỡ. Thật là bất công!
Những nỗ lực giúp ngư phủ Á Châu về nạn dầu tràn
Nhưng hơn trên tất cả những khó khăn chung đó, lý do khiến ngư phủ người Mỹ gốc Việt nói riêng và Á Châu nói chung vẫn còn bị thiệt thòi về nhiều mặt so với ngưòi bản xứ và các nhóm khác, đó là sự khác biệt về ngôn ngữ và không đủ thông tin về ngành nghề. Hội Ngư Phủ Á Châu SEAFA, một tổ chức thiện nguyện do cô Nguyễn Thị Mây lập ra vào năm 2011. Cô Mây là một người trẻ sinh ra, lớn lên tại làng Versailles, khi bão Katrina xảy ra, Mây đang học tại Berley, California, đã trở về để giúp đỡ đồng hương. Qua kinh nghiệm này, cô Mây đã lập ra hội SEAFA để liên kết, tranh đấu cho quyền lợi cũng như cung cấp tin tức về luật lệ cho ngư phủ gốc Á Châu qua tai nạn dầu tràn của công ty BP. Ban đầu khi mới thành lập, SEAFA được cơ quan Từ Thiện Công giáo (Associated Catholic Charities (ACC) tại New Orleans tài trợ cho 6 tháng. Việc tài trợ của ACC đã chấm dứt từ cả năm nay, và cô Mây cũng phải trở lại trường để học xong bằng luật.
Cô Nguyễn Thị Anh-Đào, phối trí viên tình nguyện của SEAFA cho biết, hội hiện có trên 100 hội viên gồm người Việt, Thái Lan, Campuchia. Hiện có khoảng 300 ngư phủ gốc Á Châu đang hành nghề trong vùng. Hội chưa có đủ ngân quỹ để hoạt động, những người làm việc hiện tại là những thiện nguyện viên nên hội hiện chỉ có thể chú tâm tranh đấu cho khỏang 1/3 tổng số ngư phủ vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng trong vụ dầu tràn của công ty BP. Cô Anh Đào, cho biết công việc vận động còn nhiều và khó khăn không ít vì công ty BP dùng lợi tức được khai trên bản khai thuế mà đánh giá sự thiệt hại. Một số đông người Á Châu đã không thể chứng minh được lợi tức của mình nên việc đền bù chưa được thoả đáng. Cách đây 3 tháng, cô Courtney Chappell, cố vấn thâm niên củaToà Bạch Ốc được gửi xuống New Orleans, Biloxi và Houma để lắng nghe và tìm hiểu về hiện tình kinh tế của giới ngư phủ. Ngày 29 tháng 1, 2013, đại diện SEAFA được tòa án liên bang chấp thuận cho trình bày trước tòa về nguyện vọng và đưa ra một giải pháp thích hợp cho giới ngư phủ Á Châu.
Mọi thắc mắc, đóng góp ý kiến xin liên lạc với Nguyễn Anh Đào. Điện thoại số: (504) 906-9561
New Orleans và vị tướng tuẫn tiết Lê Văn Hưng
Trong nhiều bài viết, sách báo, phim ảnh và thậm chí cả sách giáo khoa, nhiều sử gia, nhà báo không chỉ của CSVN mà cả các nhà báo phản chiến Hoa Kỳ đã lớn tiếng kết án tướng lãnh VNCH là “kém tài và hối lộ” và cho rằng miền Nam mất là tại chính quyền và quân đội VNCH. Những tài liệu giải mật gần đây đã cho thấy điều này không đúng sự thật. Nhưng điều quan trọng là những tài liệu, sách vở kia còn đó, con em người Mỹ gốc Việt của chúng ta đã và đang học và tra cứu những tài liệu độc hại này. Phim Hành Trình Tìm Tự Do còn mong mỏi đem lại những sự thật liên quan đến vấn đề lịch sử này, để nói lên tiếng nói cho những người sống, cũng như đã chết không có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình trước những xuyên tạc của kẻ thắng trận. Ngày thứ sáu của đợt công tác tại New Orleans, đoàn quay phim đã may mắn được phỏng vấn chị Ngọc Trần, phu nhân của cựu Trung tá Không Quân VNCH Huỳnh Hải Hổ, và chị cũng là em gái của tướng Lê văn Hưng, một trong 5 vị tướng đã tuẫn tiết khi miền Nam thất thủ.
“ Khi tôi đến Guam thì nghe được tin anh tuẫn tiết bằng cách tự bắn vào đầu. Tôi rất đau đớn nhưng không ngạc nhiên. Trước đó khoảng một tháng, anh có về gặp gia đình, anh rất buồn về tình thế đất nước, anh có nói với chúng tôi rằng: các em nếu có thể, nên đi để tránh bị trả thù. Riêng anh, nếu đất nước không xong, anh sẽ chọn cái chết cho đúng trách nhiệm. Đó là những lời cuối cùng của anh cho tôi. Nhưng đây không là lần đầu tiên anh nói và làm điều này. Năm 1972 khi anh tử thủ tại An Lộc, anh cũng đã quyết sống chết với thành. Chúng tôi thương anh vì anh đã phải chết thật đau thương. Nhưng chúng tôi hãnh diện vì anh, anh đã lấy cái chết để nói lên khí tiết của một vị tướng của quân đội VNCH,….”
Chị Ngọc đã kể cho chúng tôi biết về cuộc đời của người anh hùng vị quốc vong thân này từ thời niên thiếu. Chị sau đó đã cho chúng tôi quyền xử dụng những tấm hình hiếm quý của ông và gia đình. Đây là một trong những vật chứng quý giá về lịch sử của miền Nam VN mà hội VAHF rất may mắn được các nhân chứng trao cho.
Những dấu vết còn lại của bão Katrina.
“Đây từng là văn phòng nhà xứ và nhà thờ St. Marks, bên kia đường là nhà tôi cư ngụ và bên góc bên kia là tu viện của các Soeurs dòng Devine Providence. Tất cả đã trở thành những bãi đất trống đầy rác rến sau cơn bão. Chính phủ đã tài trợ cho việc dọn dẹp và họ đã mua toàn bộ khu đất này. Khu nhà thờ thì họ đang xây một trường học. Hãy nhìn xem, việc xây cất chưa xong nhưng ngôi trường mới trông rất đẹp và khang trang. Đây là một nỗ lực của chương trình hấp dẫn người dân trở về.
Mỗi khi về đây, tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi. Tôi từng là cha phó của họ đạo này khoảng hơn một năm. Bây giờ nhà thờ không còn, dân chúng tản mạn khắp nơi. Không riêng gì chúng tôi, quận Saint Benard, thuộc địa phân New Orleans trước đây có 11 nhà thờ, bây giờ chỉ còn 3. Nhìn những lô đất trống khắp nơi kia thì quý vị có thể mường tượng rằng, nơi đây, trước khi bão đến là một thành phố sầm uất, sung túc.”
Đó là lời tâm tình của Linh Mục Michael Hoàng Nam, hiện là cha chánh xứ Ki-tô Vua (Christ The King) tại thành phố Gretna. Cha Nam vừa lái xe, vừa giới thiệu New Orleans và một số thành phố lân cận cho đoàn quay phim.
Ngày hôm trước, đoàn quay phim đã đến thăm nhà thờ Ki-tô Vua có ngôi trường tiểu học với khoảng gần 400 học sinh. Hầu hết giáo dân ở đây là những người bản xứ. Một số người Mỹ gốc La-tinh và Phi Châu. Họ đã không hết lời ca ngợi công sức của vị Linh Mục VN trẻ rất gần gũi với giáo dân có khả năng lãnh đạo hữu hiệu. Trong một thời gian ngắn cha đã giải quyết những món nợ lớn gồm nhiều trăm ngàn đô la, nay chỉ còn có vài ngàn . Đó là nhờ vào sự chỉnh đốn việc chi tiêu, tìm thêm những lợi tức cho giáo xứ. Anh Roberto S. Mathews, nghệ sĩ đàn dương cầm của nhà thờ, gốc người Cuba, đã phát biểu khi được hỏi nghĩ gì về cha xứ gốc VN, anh trả lời không cần suy nghĩ:
“Một nhà lãnh đạo tuyệt vời. Một cha xứ lắng nghe những nhu cầu của con chiên và một ca sĩ có hạng…!”
Bà Willeon P. Rynez, một người tuy không là bổn đạo của giáo xứ Ki-tô Vua nhưng hay dự lễ ở đây vì có thân nhân là bổn đạo của nhà thờ này đã rất vui khi được hởi ý kiến:
“Chúng tôi cám ơn cha Nam, cám ơn cộng đồng Người Việt đã cho chúng tôi những vị lãnh đạo tinh thần tài ba, mẫn cán và hết lòng với Chúa, với bổn đạo. Vùng New Orleans này gần 40 năm qua khi thịnh, lúc suy, đã có biết bao những đóng góp của các linh mục VN, chúng tôi thật mang ơn VN và hãnh diện được làm việc với người VN.”
Cha Nam cũng cho biết, cha không phải là linh mục duy nhất từ New Orleans, riêng một làng Versaille đã sản sinh ra trên 30 linh mục, nhiều chục nữ tu. Tất cả cùng đang phục vụ với trên 800 linh mục và hàng nhiều ngàn các nữ tu người Mỹ gốc Việt cho giáo hội Hoa kỳ.
Cha Nam tâm sự: “Tôi lớn lên từ đây, tôi sẽ ở lại đây để phục vụ, nhưng một trong những ước mơ chính của tôi vẫn là nước Việt Nam chúng ta sớm có tự do, dân chủ để những người anh em của chúng ta tại quê nhà sớm hít thở bầu không khí tự do, no ấm và hạnh phúc.”
Những cố gắng để thu hút người trẻ
Khi đoàn phim chúng tôi chuẩn bị lên đường trở lại Austin thì giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam đang bận rộn túi bụi để chuẩn bị cho hội chợ Tết Quý Tỵ bắt đầu vào ngày thứ sáu, 15 tháng 2, 2013. Cha chánh xứ Nguyễn Văn Nghiêm, cũng là một người con của làng Versaille, dù bận nhưng cũng đã dành cho đoàn quay phim hơn một tiếng đồng hồ để chia sẻ những suy nghĩ của cha về những dự tính sắp tới cho ngôi làng Việt Nam. Theo cha Nghiêm thì năm mới, giáo xứ sẽ khởi công xây nhà thờ mới tại khu đất rộng trên 20 mẫu . nằm phía bên kia đường của nhà thờ hiện tại, để có cơ sở rộng rãi cho nhiều sinh hoạt hơn. Muốn như thế, thì một trong những công tác hàng đầu là phải lôi cuốn thêm người về làng VN để sinh sống. Làng hiện đã có trên 75% người Việt sau cơn bão đã trở về. Dân số hiện tại khoảng gần 5,000, so với trước đây trên 7,000. Theo vị linh mục trẻ này thì:
“Số người trẻ đã vắng hẳn sau cơn bão. Số người về phần đông là người lớn tuổi. Và phải nói, nhóm người trẻ mới đang ở tuổi năng động và đem lại nhiều hiệu quả. Tôi nghĩ rằng ngoài việc tìm thêm công ăn việc làm, thì chính phủ cần phải cải tổ giáo dục, xây thêm trường học và ngay cả những trung tâm thương mại để phục vụ những người trở về thì mới hấp dẫn được.”
Ông chủ tịch công đoàn Quý Nguyễn, anh Tổng thư ký Toàn Trần và toàn thể giáo dân, trong tinh thần đó đang cố gắng tổ chức một hội chợ Tết thật vui, thật nhiều ý nghiã để lôi cuốn người Việt khắp nơi về đây để mừng Xuân và hy vọng sau đó sẽ nhận làng VN là nơi cư ngụ. Ông Chủ tịch Quý Trần cười thật hiền hậu và vui vẻ:
“Các anh chị chờ thêm vài tiếng nữa sẽ có thịt dê. Dê ở đây rất ngon và được quý vị lo ẩm thực nấu ngon nổi tiếng không tìm đâu có…”
Hẹn ngày trở lại
Đoàn quay phim nói lời cám ơn, xin chia tay và hẹn với bà con giáo xứ Maria Nữ Vương VN vào lần tới dự trù vào giữa tháng 7, 2013 với sự hỗ trợ của cha chánh xứ và đồng hương tại New Orleans này.
Những thước phim từ New Orleans đã được mô tả ở trên sẽ đem lại những điểm sáng, những tươi mát cho phim Hành Trình Tìm Tự Do với quá nhiều cảnh đau thương, tăm tối và đầy nước mắt của người Mỹ gốc Việt.
Mọi ý kiến và đóng góp xin liên lạc về:
VAHF
P.O Box 29534
Austin, TX. 78755
(512) 844-9417
TG(2/2013)
Hình trái: những cành mai đơm đầy hoa, nụ khiến khách đi chợ Tết chạnh lòng nhớ quê hương. Hình phải: Bà Hồng Bùi và gian hàng hoa tại chợ Chồm hổm.
Hình trái: Gian hàng bánh chưng, dưa món của chị Kiều Loan (áo đỏ đứng giữa). Hình phải là khu trung tâm thương mại trên đường Alceefortier đã thực sự phục hồi và khởi sắc sau cơn bão.
Vườn hoa Bát tiên trổ hoa quanh năm của anh chị Thoan Phạm.tại làng Việt Nam, New Orleans.
Lễ Giao thừa tại Trung Tâm Phật giáo Vạn Hạnh. Hình trái ông Huỳnh Triệu Long đánh chuông trong buổi lễ. Hình phải: bé gái vui mừng nhận lộc đầu Xuân.
Hình trái: Chùa Bồ Đề. Hình phải: Chị Tuyết Trần, thủ quỹ của hội VAHF đang được Thần tài Long Hổ tại chùa Bồ Đề chúc may mắn để hội năm nay có đủ tài chánh hoàn tất phim Hành Trình Tìm Tự Do.
Hình trái: Anh Chánh Nguyễn đang đón đoàn quay phim trước cửa quán Mega của anh chị. Hình phải: Đoàn quay phim từ quán anh chị Chánh Liên đang tiến vào khu lễ hội Mardi Gras. Từ trái chị Tuyết Tràn, chị Long Nguyễn và Triều Giang
Hình trái: Lần đấu tiên, đầu rồng và những mái nhà lá là biểu hiện cho sự có mặt và đóng góp tích cực của người Việt tị nạn CS vào sự phồn thịnh của New Orleans. Hình phải đoàn quay phim chụp hình với nhóm bạn trẻ đến với Mardi Gras từ Barton Rouge. Người mặc áo trắng là cô Hân Nguyễn, trưởng nhóm.
Một vài hình ảnh tại Lễ hội Mardi Gras 2013. Hình trái: các xe hoa thẩy những vòng chuỗi sặc sỡ cho khách đứng dưới
đường. Hình phải: Chị Tuyết Trần chụp hình chung với “Nữ hoàng bia”
Hình trái: Anh Phong Nguyễn cho tàu Pricess Kim rời bến để đưa đoàn quay phim từ bãi Buras ra khơi. Hình phải: Chị Phong đang chuẩn bị thả lưới. Người ngồi bên góc phải là cô Nguyễn thị Anh Đào, phối trí viên của hội Ngư Phủ Á Châu SEAFA.
Hình trái: Cá heo nhảy trước mũi tàu Princess Kim. Hình phải: Nghiã Trần chuyên viên quay phim đang chăm chú quay cảnh anh Phong kéo lưới. Mùi cá tôm trong lưới đã hấp dẫn một đàn hải âu chạy theo tàu để bắt mồi.
Hình trái: Chiến lợi phẩm sau hơn nửa giờ thả luới. Hình phải Chị Phong đang cho Triều Giang xem những con tôm tươi mới rang vàng óng.
Hình trái Bến Buras, Venice hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ của ngư phủ VN đang đâu để chờ ra khơi. Hình phải: Tàu Two Son của anh chị Hùng Nguyễn (đứng bên trải), anh Trí Huỳnh (giữa) và anh Phương Nguyễn (bên phải) đang mở dây cho tàu rời bến cùng với đoàn quay phim VAHF.
Một số bức hình của tuớng Lê Văn Hưng đã được gia đình chị Ngọc, người em gái của tướng Hưng cung cấp. Từ trái: Tướng Hưng trước đoàn quân của ông. Giữa: Tướng Hưng trong hầm tử thủ tại An Lộc. Bên phải: Tổng thống Thiệu (phải) và Đại Tướng Cao Văn Viên (thứ hai từ trái) thăm tướng Hưng tại An Lộc sau khi thành phố được giải tỏa.
Hình trái: Chị Ngọc Trần khi còn là người em gái nhỏ thân yêu của tướng Hưng. Hình phải:, từ trái: Triều Giang, cựu Trung tá Không Quân Huỳnh Hải Hổ và chị Ngọc Trần tại tư gia của anh chị tại New Otleans.
Cha Michael Hoàng Nam Nguyễn, đang chỉ cho đoàn quay phim vị trí ngôi nhà thờ, nhà xứ và tu viện Devine Providence, nơi cha từng làm cha phó đã bị bão Katria cuốn sạch.
Hai trong số 11 ngôi nhà thờ New Orleans bị hư hại hoàn toàn trong cơn bão.
Hình trái: Nhà thờ Buras bị nước cuốn sạch, chỉ sót lại tượng Đức Mẹ. Hình phải: Từ trái: Anh Trí Huỳnh, chị Long Nguyễn và chị Tuyết Trần chụp hình trước bức tượng Đức Mẹ của ngôi nhà thờ đổ nát, đã được đưa sang đặt trước khu nghĩa trang trong khi ngôi nhà chờ chỉ còn là bãi đất trống.
Bão Katrina không chỉ tác hại người sống mà cả những người chết. Những chiếc hòm trong các ngôi mộ cũng bị bão bât lên trôi trên đườ ng phố (trái). Một số những chiếc hòm này đã không có người lãnh nhận, chính quyền địa phương đã đánh số và đặt vào những kim tĩnh nổi đặt trong khu nghiã trang của Buras.
Hình trái: Tại Giáo xứ Maria Nữ Vương VN, lễ Giao thừa đồng tế bởi quý cha từ trái: cha Joe McKinney, cha chánh xứ Nguyễn Văn Nghiêm, cha Phạm Quang Thuý, và cha phó Nguyễn văn Nguyên. Hình phải: Màn vũ dâng của lê truyền thống.
Hình trái cha Chánh xứ và bài giảng đầu năm. Hình phải Ca đoàn hát Lễ Giao thừa tại nhà thờ Maria Nữ Vương Việt Nam
Giáo xứ Maria Nữ Vương VN trong ngày cuối chuẩn bị cho Hội chợ Tết Quý Tỵ chụp hình lưu niệm với đoàn quay phim VAHF. Từ trái: Nghiã Trần, LM. Michael Hoàng Nam, Ông Quý Trần, chủ tịch cộng đoàn, anh Lý Thiệu, hội trưởng đoàn Liên Minh Thánh Tâm, chị Long Nguyễn (VAHF), Chị Tuyết Trần (VAHF) và ông Trần Khánh Thành .
Anh Toàn Trần, tổng thư ký cộng đoàn và chị Mỹ Lộc, trưởng ban tài chánh Hội chợ giáo xứ Maria Nữ Vương VN.
Góp ý Mới nhất