Phạm Diễm Hương thực hiện

Sau lần đầu tiên tham gia chương trình 500 lịch sử phỏng vấn của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) tại Houston vào tháng Ba năm 2011, tôi đã cùng với quý anh chị trong Hội đến New Orleans và Denver để tiếp tục thực hiện các cuộc phỏng vấn và gây quỹ. Nơi nào đồng hương mình cũng nhiệt tình hỗ trợ những việc làm quan trọng và nhiều ý nghĩa của quý anh chị trong Hội để nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết là cần phải có những trang sử trung thực và đúng đắn cho cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng ta.

Vào tháng Năm năm 2012, Hội đã thực hiện một chuyến đi lịch sử  đến Guam và các trại tỵ nạn cũ ở Nam Dương, với mục đích thu nhặt lại những hình ảnh, ghi nhận những hành trình đầy máu và nước mắt cũng như dấu tích của những bước chân đầu tiên của người Việt tỵ nạn trên nhũng phần đất Tự Do.

Để tìm hiểu  về chuyến đi nhiều ý nghĩa và đầy xúc động này, Diễm Hương đã phỏng vấn chị Hội Trưởng Triều Giang là trưởng phái đoàn trong chuyến đi vừa qua. Xin mời quý độc giả theo dõi.

 

Diễm Hương: Xin thân ái chào chị Triều Giang? Xin chị cho biết sức khoẻ của chị thế nào sau chuyến đi vừa qua?

Triều Giang: Xin kính chào chị Diễm Hương. Cám ơn chị đã quan tâm về sức khoẻ của tôi. Với bộ máy già quá nửa thế kỷ này thì phải nói rằng nó khá bền bỉ sau một chuyến đi dài và gian nan.

 

Diễm Hương: Thưa chị, xin chị cho biết mục đích của chuyến đi này? Có bao nhiêu thành viên của Hội tham dự chuyến đi?

Triều Giang: Để cung cấp những cảnh sống động cho phim Việt Story, hội VAHF quyết định cho đoàn quay phim Việt Story đi một vòng quá nửa trái đất; từ Austin đi Guam, tính đường chim bay là trên 10,000 cây số. Từ Guam tới quần đảo Nam Dương khoảng  5,000 cây số nữa để ghi lại những dấu vết của hành trình đi tìm tự do của người Việt, ghi nhận những suy nghĩ và cảm xúc của các nhân chứng sống tại chỗ.

Nhóm quay phim gồm Trần Vũ, tác giả của nhiều bộ phim tài liệu, đặc biệt là bộ: “Hành Trình Xuyên Việt”. Anh Vũ được chọn vì kiến thức về thuyền nhân-anh từng là thuyền nhân từ năm 9 tuổi tới 13 tuổi tại Hồng Kong(1991-1994). Anh còn là tác giả của một số phim về người tị nạn, và anh còn có nhiều kinh nghiệm quay phim trong những chuyến đi dài và xa. Anh Trần Vũ hiện đang làm việc toàn thời gian với đài Truyền hình SBTN. Tổng Giám Đốc Trúc Hồ đã có nhã ý hỗ trợ hội bằng cách đồng ý cho anh Trần Vũ cộng tác với hội trong chuyến đi này. Người thứ hai là nhà văn Trùng Dương, người đã nhiệt thành hỗ trợ và có những đóng góp to lớn cho những công trình của hội trong nhiều năm qua. Chị đã đi để ghi nhận những sinh hoạt của Hội bằng ống kính máy ảnh của chị, và người cuối cùng là tôi lo việc phỏng vấn.

 

Diễm Hương: Chuyến đi kéo dài trong bao lâu và đến những địa điểm nào?

Triều Giang: Chuyến đi dài gần 3 tuần lễ.  Bốn ngày tại đảo Guam và 10 ngày tại Nam Dương. Còn lại là những ngày đi đường. Di chuyển và liên tiếp di chuyển.

 

Diễm Hương: Chị đã từng đến Guam chưa? Cảm giác của chị thế nào khi đến đó?

Triều Giang: Tôi cùng với phái đoàn của hội VAHF gồm nữ tài tử Kiều Chinh, một số cơ quan truyền thông và thân hào nhân sĩ cùng thành viên của hội đến Guam vào cuối tháng 4 năm 2006 để đón nhận những tài liệu về người tị nạn Việt Nam, những người đã được đưa đến Guam trong những ngày dầu sôi lửa bỏng của lịch sử. Người trước, kẻ sau, họ đã sống tại hải đảo này trong hơn 6 tháng từ cuối tháng 4 tới cuối tháng 10 năm 1975. Những tài liệu này đã được Thống đốc Guam, Đại học Guam và các căn cứ quân sự của Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ tặng hội VAHF để đưa vào chương sử của người Việt tị nạn.  Chuyến đi đã gây nhiều tiếng vang trong dư luận cộng đồng Việt và Mỹ.

Lần này trở lại sau 6 năm để thu những hình ảnh của hải đảo được coi như là “ngõ vào” (gateway) của người Mỹ gốc Việt cũng ví như đảo Ellis Island, New York, là ngõ vào của người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, hay Charleston, South Carolina là ngõ vào của người Mỹ gốc Phi Châu, hay Galveston, Texas là ngõ vào của người Mỹ La Tinh, tôi vẫn còn cảm nhận được những xúc cảm dâng trào khi nhìn thấy những dấu vết của người Việt tị nạn như tại công viên ASAN, nơi đây đã từng đón nhận trên 40,000 người Việt tị nạn. Nay chỉ còn lại hàng chữ thật ngắn ngủi trên tấm bia lưu niệm: “Nơi đây đã từng là chỗ tạm trú của hàng chục ngàn người Việt tỵ nạn năm 1975” bên cạnh những giòng ghi nhận về lịch sử xa xôi hơn nữa của hải đảo mỹ miều này, hàng chữ ghi: “Nơi đây là chỗ đổ bộ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ để giải phóng dân Guam khỏi sự chiếm đóng của quân Nhật năm 1944”. Hoặc 3 bực tam cấp bằng xi măng là di tích duy nhất còn lại của sự có mặt của nhiều chục ngàn người tị nạn tại căn cứ không quân Anderson Airforce Base năm 1975. Ngay cả phi trường Orote Point nơi hầu như không còn dấu vết gì về người Việt tị nạn và  nay đang được dùng làm bãi tác xạ cho việc huấn luyện các binh sĩ Hoa Kỳ từ khi thời cuộc của vùng Biển Thái Bình Dương bắt đầu có những cơn sóng ngầm như lúc nào như cũng có thể nổ tung vì tham vọng xâm chiếm láng giềng của Trung Quốc.

 

Diễm Hương: Tại Guam dấu tích nào của người tỵ nạn khiến chị vương vấn nhiều nhất?

Triều Giang: Những nấm mộ của người Việt tị nạn trong nghĩa trang của Chi hội 668 của hội Vietnam Veteran tại Guam, dấu tích của những người đã bỏ xác tại vùng đất tự do mà họ đã may mắn tới được. Nhưng xúc động đặc biệt hơn cả là tình cảm của Cộng đồng người Việt tại đảo Guam, những người nhận hải đảo này là quê hương thứ hai và họ ở lại đây làm nhân chứng sống cho một cuộc di cư không tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam . Họ là dấu tích sống làm cho tôi vương vấn nhiều nhất. Phải nói rằng chính vì lòng nhiệt thành và sự đóng góp tài chánh rộng rãi của các anh chị:  Kim Chi Bottcher một giáo sư dạy Trung học trong căn cứ không quân Anderson hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Hiệp Châu Á Thái Bình Dương, anh Lê Trung Hậu, cựu chủ tịch cộng đồng, chị Bé Ba Amsden, đương kim chủ tịch, bác Tính, người mẹ VN đã buôn bán tần tảo trong khu chợ trời để nuôi một đàn con 11 người ăn học. Hôm nay đã có 2 người con làm bác sĩ, một luật sư và những người con khác cũng rất thành công. Để trả lời những người con đang sinh sống tại nhiều thành phố có đông người Việt tại đất liền Hoa Kỳ  nhiều lần năn nỉ bà rời đảo Guam đển sinh sống với họ, bà đã nói: “ Chắc sẽ có ngày mẹ phải đi, nhưng mẹ muốn ở lại đây cho đến ngày nào mẹ còn có thể vì Guam có tình người thắm thiết, chính nơi đây đã giúp mẹ nuôi sống gia đình đông đảo của chúng ta và nơi đây bà con Việt sống bảo bọc, quây quần , cảnh trí và khí hậu ở đây cũng không mấy khác quê hương VN, điều khác là ở đây có tự do…”. Và còn bao nhiêu những anh chị khác như chị Dung Samiana, chị Phụng xinh đẹp chủ quán Sông Hương, anh Đức Đào, anh Larry Đỗ…và cả  những cựu quân nhân chính gốc người Guam được gọi là Chamaro, từng tham chiến tại VN như anh Raymond Bazar và vợ là chị Ly Bazar…; những người đã giúp Viet Story có những thước phim đầy giá trị về “ngõ vào” Hoa Kỳ của sắc dân Người Mỹ Gốc Việt.

 

Diễm Hương: Chuyến đến Nam Dương như thế nào?

Triều Giang: Cùng mục đích đi tìm dấu chân phiêu bạt vì tự do của người Việt và để làm sáng tỏ những tài liệu bằng chữ nghĩa và những con số khô khan về sự hy sinh của trên nửa triệu thuyền nhân đi tìm tự do trong gần 2 thập niên từ 1976 tới 1995 trước dư luận thế giới qua phim Việt Story, hội VAHF đã liên lạc với Văn khố Thuyền Nhân tại Úc do ông Đông Trần làm chủ tịch để tháp tùng theo chuyến đi “Về Bến Tự Do 10” của tổ chức này hầu có thể quay những thước phim sống động về những nơi chốn thuyền nhân đã đi qua, đã sống những ngày chờ đợi mòn mỏi và nhiều người phải gửi tấm thân vĩnh viễn nơi đây trước khi được sống tại một vùng đất tự do như họ hằng mơ ước.

Phái đoàn VAHF với Trần Vũ đã ghi vào ống kính những hình ảnh của nhiều đảo hoặc có người Nam Dương sinh sống, hoặc chỉ là đảo hoang trong hơn 250 đảo của quần đảo Anambas, nằm tại phía bắc của Nam Dương, một quốc gia bao gồm trên 17,000 đảo lớn, nhỏ, nhiều nơi chỉ cách Singapore có chưa đầy một giờ đồng hồ tàu chạy, nhưng đời sống khác biệt như ngày và đêm giữa hai xã hội văn minh và chưa phát triển. Trên những hòn đảo đầy những dấu tích của hàng trăm ngàn thuyền nhân; những chiếc thuyền nhỏ bé đượm màu thời gian còn nằm nghiêng ngả rải rác quanh đảo, cho đến những căn nhà xiêu vẹo, rách nát từng làm trường học, nhà thương, văn phòng làm việc, một nhà máy phát điện,  cho đến nơi thờ phượng như nhà thờ, ngôi chùa, và cả một nhà tù. Dấu vết của những người chết vì hai chữ tự do còn in đậm nét qua hàng ngàn ngôi mộ với những mộ bia hoang phế màu thời gian, có nhiều bia không còn có thể đọc được tên người quá cố, trên những hải đảo xa xôi như: Letung, KuKu, Air Raya,Tarempa… hoặc trên 500 ngôi mộ tại làng Galang, thuộc cực Nam của đảo Batam, trong quần đảo Riau mà chính quyền Nam Dương đã và đang có chương trình trùng tu để làm di tích cho một viện bảo tàng với hy vọng thu hút khách du lịch phần lớn trước đây là những người lặn (scuba divers), nay thêm vào là những thuyền nhân đã từng đến và sống một phần đời ở đây.

Dấu vết của thuyền nhân Việt Nam còn ở trong trí nhớ của người Nam Dương với số tuổi trên 40 đang sống tại quần đảo này. Họ đã sống với người tị nạn trong nhiều năm tháng. Có những nơi như tại đảo Letung với dân số 2,000, lúc cao diểm, đã có trên 22,000 thuyền nhân sống tại đây. Nhiều người Nam Dương còn nhớ được một vài tiếng Việt như:  “tên gì? ăn cơm, đi chơi, đi chơi….”. Bằng những tiếng Anh bập bẹ, những tiếng Việt đơn sơ họ đã kể cho chúng tôi về những cái chết đau thương của thuyền nhân: “ chết, chết nhiều lắm!” với những ánh mắt thương cảm, dù chuyện đã xảy ra đã hơn 30 năm. Chính lòng nhân từ của những người dân hiền lành, chất phác vùng Đông Nam Á như Nam Dương, Thái Lan,Mã Lai…đã cứu sống hàng trăm ngàn thuyền nhân, nhưng cũng đã có những kẻ vô lương tâm lợi dụng sự khó khăn và thế yếu của thuyền nhân lúc bấy giờ để cướp bóc, trấn lột, hiếp đáp và giết chóc thẳng tay khiến nhiều thuyền nhân chết thảm hoặc còn sống cũng mang những quá khứ kinh hoàng suốt đời họ. Nhất là khi tình thương thế giới bắt đầu mỏi mệt và quay lưng với thuyền nhân VN, thì bao cảnh tang thương, nhục nhằn đã đến với những thuyền nhân tuyệt vọng.

Và vì thế, di tích của người tị nạn còn hiện diện trong tâm thức của những người tham dự “Về Bến Tự Do 10”. Ngoài trừ phái đoàn 3 người của VAHF, 2 người trong Ban tổ chức của Văn Khố Thuyền Nhân là ông Đông Trần và ông Nguyễn Văn Sơn , và 7 người khách còn lại, tâm tư họ đã chất đầy những kỷ niệm vui buồn, thống khổ, nhục nhằn từ chốn này. Ba người trong số họ đã tham dự lần này là lần thứ hai: Chị Nguyễn thị Yến Hương đến từ Pháp, năm ngoái chị đã cùng phu quân đến đây và Mã Lai để tìm mộ người em trai của chồng chết trên chuyến tàu chở 121 người và được chôn trong một ngôi mộ tập thể tại Mã Lai. Năm nay chị quyết trở lại dù phu quân của chị bận việc không thể tham dự được, Trong buổi phỏng vấn, chị Yến Hương đã nghẹn ngào trong nước mắt:”Em tin rằng chú ấy đã chỉ đường cho em dù em lập gia đình vói nhà em sau này và em chưa hề gặp mặt chú. Nỗi thương nhớ đau buồn của chồng em đã không nguôi dù gần 30 năm qua. Ngày sinh nhật của em và của chú ấy cùng một ngày nên mỗi sinh nhật của em, chồng em không bao giờ có niềm vui trọn vẹn. Cách đây khoảng 3 năm, Văn Khố Thuyền Nhân đến Mã Lai và tìm được một số mộ hoang. Họ thông báo trên website của họ và họ còn ghi số tàu của chú ấy. Đúng ngày sinh nhật của em năm đó,như có một lực vô hình xui khiến, em lên lên trang web của VKTN và biết được tin. Em xúc động đến xửng sốt. Em nghĩ chú ấy linh thiêng đã báo tin cho em. Năm ngoái, em và ông xã em đi và tìm được mộ của chú ấy. Năm nay em quyết trở lại thăm…”

Anh Nguyễn Hùng Phi , cựu sĩ quan Võ bị Đà Lạt cùng đi với ngưới em trai là nhà  khoa học  Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vũ từ Úc trở lại Nam Dương lần thứ hai. Anh Hùng cho biết anh đã vượt biên 21 lần và có rất nhiều kỷ niệm với những hải đảo Nam Dương này. Có chuyến anh đã đi được đến vùng biển này thi bị kéo sang Mã Lai. Từ Mã Lai bị kéo ra hải phận quốc tế và Hải quân Mã Lai đã rút gần hết dầu, trước khi rời chiếc tàu nhỏ bé, rách nát ngoài đại dương họ có nói:” Nếu muốn sống thì đi về hướng Tây”. Anh Phi kể: “Chị biết rồi, từ biển Mã Lai mà đi vè hướng Tây tức là về lại VN. Chúng tôi không còn con đường nào khác là đi về hướng Tây để rồi bị bắt vào tù để cho phụ nữ và con trẻ trên tàu được sống. Tôi về, bị tù ba năm. Khi được ra, tôi lại tổ chức vượt biên tiếp. Chuyến cuối tắp vào đảo KuKu, rồi được chuyển vào trại Galang. Tôi nghĩ, tôi có duyên nợ với vùng biển này nên muốn trở về đây không máy ảnh, máy quay phim, mà chỉ để sống lại những giây phút năm xưa..”

Với nhà khoa học trẻ Vũ thì anh không thể quên nơi này, nơi anh đã sống tuổi thiếu niên. Đáng ngạc nhiên khi nghe một người bỏ biết bao thời gian để học trong các nhà trường danh tiếng để  đạt được bằng Tiến sĩ lại phát biểu: ”Dù chỉ có mấy năm, nhưng phải nói, nơi đây là nơi tôi được học hỏi nhiều nhất. Học những điều giúp tôi xây dựng cho mình nhân cách hôm nay..”

Bác Giáo Trần đến từ Canada, bác 78 tuổi nhưng còn rất tráng kiện. Bác là người cao tuổi nhất trong nhóm cũng tâm sự: “ Bà nhà tôi đã mất cả chục năm nay. Tôi về hưu và đi du lịch khắp nơi. Tôi muốn trở lại chốn này để nhận thức cho đúng nơi mình đã sống những ngày tháng quan trọng của cuộc đời vì trước đây mình quá bận rộn để thăm lại..”

Câu chuyện của chị Hoàng Oanh đến từ Oregon cũng lắm bùi ngùi. Chị đến quần đảo này năm 1980, khi tuổi chị mới vừa đôi mươi cùng với cha mẹ và các em. Trái tim của chị ngày ấy đã rung động trước trái tim của một thanh niên Nam Dương rộng lòng giúp đỡ gia đình chị lúc đó thiếu thốn, đói rách cùng cực. Hai người đã thề non, hẹn biển là hoặc chị sẽ trở lại làm đám cưới với anh, hoặc anh sẽ tìm sang vùng đất định cư của chị để xin bàn tay của chị. Nhưng hoàn cảnh đã không cho phép. Cả hai anh chị đã phải lỡ hẹn và lập gia đình riêng. Trên đường đi chị Oanh không giấu được sự bồn chồn. Các bạn đi cùng chuyến đã không bỏ lỡ cơ hội để trêu chọc chị khiến đôi má của chị lúc nào cũng đỏ ửng. Khi hai người tình cũ đã gặp nhau ở bến đò  Batam. Nơi đoàn chờ phà để tới đảo Letung. Nhìn cảnh thẹn thùng của hai anh chị trong tuổi 50 sao thật dễ thương! Sau khi hai bên trả lại những kỷ vật đã trao nhau để xóa cho nhau những lời thề không giữ được, tôi thấy chị Oanh như trút được gánh nặng trong lòng. Chị cười thật tươi, thật bình an. Và khi chiếc phà chất gần 500 hành khách rồ máy rời bến, chị Oanh chạy vội lên boong tàu vẫy tay lần cuối cho đến khi bóng của người yêu dấu ngày xưa, nay thực sự đang lui vào quá khứ mờ dần, rồi mất hẳn trước những bọt nước biển trắng xóa.

Và còn biết bao tâm tình của anh Chiêu Nguyễn, anh Tèo, người yêu cầu gọi anh bằng tên cúng cơm vì anh đến từ VN. Anh là một trong nhiều chục ngàn thuyền nhân VN bị trả về trong những năm 1994-1995, khi tình thương thế giới bị mỏi mệt vì cảnh CSVN đẩy hàng triệu dân của họ đi tìm sự sống trong cái chết bằng những chánh sách trả thù khắc nghiệt của họ. Hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt  của người Việt qua ống kính của Trần Vũ ghi nhận cho him Viet Story, từ đó đã không còn là những số liệu khô khan, trừu tượng mà là một sự thật hiển nhiên, sống động như đang diễn ra trước mắt tôi và sẽ đến với khán giả khi phim hoàn tất.

Nhân dịp này, xin được chân thành cám ơn Văn Khố Thuyền Nhân, ông Đông Trần và quý anh chị trong đoàn “Về Bến Tự Do 10”  đã góp phần trong những thước phim nói về thảm cảnh của thuyền nhân Việt Nam trong phim Việt Story.

 

Diễm Hương: Đươc biết chị cũng là một thuyền nhân, xin chị cho biết cảm giác của chị khi trở lại trại tỵ nạn? Buồn xúc động như thế nào? Chị có đến lại đúng nơi chị đã đặt chân đến không?

Triều Giang: Thưa vâng, tôi từng là một thuyền nhân vượt biển với hai con thơ vào năm 1979. Chúng tôi đến bán đảo Songkla của Thái Lan chứ không đến Nam Dương. Tuy thế, nhìn cảnh  trại tỵ nạn, nhất là khi  xem những hình ảnh về những cuộc biểu tình chống cưỡng bức hổi hương với hàng nhiều trăm người cả phụ nữ và trẻ em, đầu quấn khăn tang ngồi chịu nắng nôi đói khát với hy vọng “tình thương mỏi mệt” của thế giới phải lung lay. Có nhiều người đã hy sinh tính mạng bằng cách đâm vào người để lấy máu viết chữ tuyệt mệnh “freedom” với hy vọng thế giới sẽ động lòng mà cứu vớt gia đình và bạn bè họ được đến bến bến bờ tự do mà không bị trả về VN. Nhưng không, hàng nhiều chục ngàn người đã phải trả về để tiếp tục sống trong địa ngục mà họ đã trốn chạy.

Những hình ảnh này đã gợi nhớ cho tôi những cảnh thuyền nhân bị bạc đãi tại trại tị nạn tại Songkhla. Nhiều lần tức giận với một vài cá nhân, cảnh sát Thái Lan đã dùng súng bắn xối xả vào trại làm bị thương nhiều người. hoặc mỗi buổi sáng đi chợ trước cổng trại, nếu không cẩn thận sẽ bị những làn roi mây của cảnh sát Thái Lan quất túi bụi vào đầu, vào mặt.  Ký ức như một khúc phim quay chậm. Tự nhiên tôi rùng mình với ý nghĩ: không hiểu sao mình và các thuyền nhân ngày ấy lại đủ sức mà vượt qua những hiểm nguy và cơ cực này?

 

Diễm Hương: Chị có cho biết mục đích chuyến đi để thực hiện những thước phim trung thực cho cuốn phim” Việt Story” Chị có hài lòng không? Xin chị cho biết những dấu tích nào tại các rại tỵ nạn, Hội chú trọng để cho vào cuốn phim?

Triều Giang: Những thước phim vừa được hội thu thập trong tháng 5 vừa qua giữ một phần quan trọng trong phần trình bày trước dư luận thế giới về cuộc di cư vĩ dại vì không chấp nhận chế độ hà khắc CS của người Việt vào năm 1975 và thảm cảnh của hơn 1 triệu thuyền nhân trong gần 2 thập niên. Hội rất vui vì đã có những thước phim sống động này.

 

Diễm Hương: Chị có thể cho độc giả biết khái quát về nội dung “Việt Story”.

Triều Giang: Đúng như tựa đề của nó, “Việt Story” là câu truyện mà hầu hết sách vở, giới truyền thông Hoa Kỳ chưa từng hoặc rất ít nói đến. Đó là: hành trình đi tìm tự do của gần 3 triệu người Việt. Vì sao họ phải bỏ quê hương để ra đi? Hành trình của họ với nhiều hình thức khác nhau trong nhiều giai đoạn khác nhau ra sao? Hành trình đầy máu và nước mắt này đã không chấm dứt  khi họ đến một miền đất tự do mà còn trải dài với những tháng ngày cơ cực để bắt đầu lại cuộc đời nơi đất mới,  người chưa quen, để từ đó  trở thành những người có những đóng góp to lớn vào quê hương thứ hai. “Việt Story” còn nói đến cuộc chiến đấu dũng cảm của người dân Việt Nam để bảo vệ lãnh thổ trước mưu đồ bành trướng của CS, nhưng hoàn cảnh chính trị khiến họ phải bó tay.  “Việt Story” được thực hiện dưới hình thức phim tài liệu với kỹ thuật HD, một kỹ thuật làm phim hiện đại nhất trên thị trường phim ảnh hiện nay. Phim chắc chắn sẽ khiến dư luận Hoa Kỳ có cái nhìn mới mẻ về chiến tranh VN cũng như người Việt Nam.

 

Diễm Hương: Thưa chị, tốn phí để thực hiện cuốn phim này như thế nào? Hội nhận được tài trợ nào không từ chính quyền Hoa Kỳ? Nguồn kinh phí chính đến từ đâu?

Triều Giang: Ngân khoản dự trù cho cuốn phim là trên 200,000 Mỹ Kim. Hội chưa nhận được bất kỳ ngân khoản nào của chính phủ ngoài sự hỗ trợ của một số trường đại học giúp phương tiện và nhân sự. Ngoài một ít đóng góp của một số hội bán công như Texas Historial Foundation, Berrien Community Foundation, một số công ty tư nhân Việt Mỹ như IBM, Mac Quarie Group, Greatland Investment, Inc.,… những đóng góp quan trọng cho đến ngày hôm nay vẫn là từ giới trẻ Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ qua những cuộc gây quỹ của 119 trường Đại học thuộc Liên Hội Sinh Viên Vùng Bắc Mỹ-uNAVSA, và qua các cuộc gây quỹ của hội với sự hỗ trợ của các vị lãnh đạo tôn giáo và hội đoàn trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Do đó, có thể nói chính người Việt của chúng ta đã và đang tiếp tay, giúp sức đề hội VAHF hoàn thành phim Viet Story hầu có thể gíong lên tiếng nói trung thực của người Việt yêu chuộng tự do; tiếng nói đã bị bóp nghẹt trước dư luận thế giới trong suốt hơn 20 năm chiến tranh, và cho đến ngày hôm nay tuy có tự do và đã có rất nhiều đóng góp cho quê hương thứ hai này, nhưng tiếng nói của chúng ta vẫn chưa được chú tâm đúng mức.

 

Diễm Hương: Chị có thể cho biết khi nào khán giả có thể đón xem Viet Story?

Triều Giang: Hiện hội đang quay ngoại cảnh và phỏng vấn những nhân vật. Đầu tháng 9 hội sẽ lấy những thước phim tài liệu tại các thư viện cho tới cuối năm. Và đầu năm tới sẽ bất đầu edit. Nếu mọi việc tiến triển như dự trù thì hy vọng khoảng giữa hoặc trễ là cuối năm 2013 thì hoàn tất.

 

Diễm Hương: Chị có nhắc đến những buổi gây quỹ, xin chị cho biết những buổi gây quỹ sắp tới sẽ được tổ chức tại đâu?

Triều Giang: Hội may mắn đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của quý vị lãnh đạo tôn giáo, hội đoàn cùng thân hào, nhân sĩ để có những buổi gây quỹ tại thành phố Denver, Houston, và New Orleans. Cuộc gây quỹ sắp tới tại San Jose sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 8 tháng 7 tại nhà hàng Dynasty, đường Story và buổi gây quỹ kế tiếp sẽ được tổ chức tại vùng Hoa Thịnh Đốn tại nhà hàng Harvest Moon, ngày Chủ Nhật 26 tháng 8, 2012. Rất mong quý đồng hương quan tâm xin hãy tiếp sức cho nỗ lực chung này.

 

Diễm Hương: Chị có thể cho biết diễn tiến của buổi gây quỹ tại San José như thế nào?

Triều Giang: Được sự cố vấn và bảo trợ của  LM Đồng Minh Quang, chánh xứ nhà thờ Đức Mẹ Lavang,  Las Vegas, LM Phan Quang Cường, Chủ Tịch Hội Tu Sĩ Giáo Sĩ Miền Tây Hoa Kỳ , Hòa Thượng Thích Trí Lãng,  Chùa Thích Ca Đa Bảo, San Jose, Ni sư Tiến Liên, Tịnh xá Ngọc Hòa, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Bắc Cali, Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức San Jose’, Hội Quân Nhân Mỹ Việt VAAFA,  Nhóm Việt- Học, Tuần báo Thằng Mõ, Việt Tribune…và sự hỗ trợ đông đảo của các cơ quan truyền thông và một số cơ sở thương mãi tại San Jose giúp đỡ tài chánh và phương tiện để tổ chức.

Hội hiện đang chuẩn bị và bổ túc tài liệu cho buổi triển lãm. Các ca sĩ và các nghệ sĩ đang chọn các bài hát và tập dợt cho các tiết mục phù hợp với chủ đề. Riêng ban vận động đang ráo riết kêu gọi thân hữu và đồng hương tham gia bằng cách bảo trợ và mua vé tham dự.  Vé gồm ba hạng: Ủng hộ: $50, Bảo trợ $60, và Danh dự $100. Có bán tại: SENTER VIDEO: 408 298 1854; PALOMA CAFÉ: 408 277 0922; và Trung Tâm Thẩm Mỹ Bích Liên: 408-509-4480. Hoặc liên lạc với Thái Hà: 408-838-7098 hay Thu Nga: 408-509-4480

 

Diễm Hương: Chị có thể cho biết nội dung chương trình buổi gây quỹ tại San José.

Triều Giang: Đây là buổi Triển lãm-Văn Nghệ- Dạ tiệc Gây quỹ. Buổi triển lãm này lớn nhất của hội nói về một số thành quả của hội , một chương trình văn nghệ đặc sắc vói sự góp mặt của hai ca sĩ nhà nghề từ hai trung tâm băng nhạc nổi tiếng nhất là Nguyên Khang của Asia và Mai Thiên Vân của Paris by Night, cùng các ca sĩ nổi tiếng của địa phương như Thái Hà, Thu Nga, Vĩnh Thanh Thảo,…và những màn văn nghệ dân tộc do nhóm Tuệ Đăng trình diễn. Người tham dự sẽ có những giây phút xúc động xen lẫn hãnh diện và vui mừng về những chương sử bi hùng của người Việt được thực hiện cẩn trọng và đưa vào những trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, trong một không khí tràn đầy tình đòan kết, yêu thương cho một nỗ lực chung. Có thể nói rằng đây sẽ là một buổi tối đặc biệt cho những người còn nặng lòng với quê hương, dân tộc, tới thế hệ trẻ, không thể bỏ qua.

 

Diễm Hương: Mặc dù Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt đã hoạt động từ năm 2004, đã được đồng hương khắp nơi tán dương và hỗ trợ nhiệt tình, tuy nhiên trong khuôn khổ buổi phỏng vấn hôm nay, xin chị vui lòng cho quý độc giả biết một chút về Hội, như nguyên do nào Hội được thành lập, thành phần  Ban cố vấn, Ban điều hành cũng như những thành quả đạt được trong thời gian qua.

Triều Giang: Hội được thành lập từ 8 năm qua dưới hình thức một hội thiện nguyện-501 © 3, với mục đích sưu tầm, gìn giữ, phổ biến tài liệu lịch sử và văn hòa người Mỹ gốc Việt vào học đường và đại chúng Hoa Kỳ. Ban cố vấn và điều hành là những người có tên tuổi và uy tín trong cộng đổng người Việt tại Hoa Kỳ như bà Khúc Minh Thơ, nữ tài tử Kiều Chinh, Dân biểu Texas Hubert Võ,….Những thành quả đáng kể của hội là thực hiện 3 bộ sưu tập gổm: Tù nhân Chính Trị VN đưa vào Đại học Texas Tech. Bộ sưu tập về cuộc di cư của gần 200,000 người Việt tị nạn tới đảo Guam sau khi Sài gòn thất thủ và bộ sưu tập 500 Lịch Sử Phỏng Vấn. Hội đã phỏng vấn trên 500 người Việt về kinh nghiệm thời chiến tranh, hành trình tìm tự do và kinh nghiệm bắt đầu cuộc đời mới của họ tại Hoa Kỳ. Bộ sưu tập này đã được thực hiện với sự hợp tác của Đại học Texas UT Austin và sự bảo trợ tài chánh cùng nhân lực của Liên Hội Sinh Viên VN và sự hỗ trợ nhiệt thành của một số cơ quan tryền thông Mỹ Việt và đồng hương. Hội cũng đã đưa một phần của bộ sưu tập này vào Đại học California tại Irvine (UCI) và mới đây nhất vào Đại học Rice, Houston. Công việc kế tiếp của Hội là tiếp tục hợp tác với các đại học để đưa những trang sử trung thực  vào các đại học Hoa Kỳ và hoàn thành phim Việt Story để có thể quảng bá sâu rộng vào cộng đồng người Mỹ.

Mọi chi tiết xin liên lạc về hội qua email: nancy@vietnameseamerican.org. Hoặc thư về: VAHF. P.O.Box 29534. Austin, TX. 78755.

 

Diễm Hương: Xin chân thành cảm ơn chị Triều Giang đã chia xẻ cùng quý độc giả khắp nơi những nỗ lực của Hội Bảo Tồn Văn Hóa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt trong mục đích viết lại chương sử trung thực của người Việt tỵ nạn cộng sản.

Triều Giang: Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn chị Diễm Hương đã dành cho hôi VAHF và TG buổi phỏng vấn bổ ích  này.

DH

6/2012

Bản đồ chỉ lộ trình quá nửa vòng trái đất của đoàn quay phim Viet Story để thu hình những di tích của người Việt tị nạn. Từ Austin tới Guam, từ Guam tới quần đảo Anambas ,và Riau của Nam Dương. (Ảnh Internet)

Đoàn quay chụp hình trước trại tị nạn Galang. Từ trái Triều Giang, Trần Vũ, nhà văn nữ Trùng Dương. (Ảnh Trùng Dương).

Ống kính của Trần Vũ đang ghi nhận những chia xẻ những ký ức về người Việt tị nạn tại Guam của cựu chiến binh Raymond Bazar, tại công viên Asan.

Đoàn quay phim Việt Story chụp hình lưu niệm với cộng đồng Việt Nam và Cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại VN. Từ trái, Nhà văn Trùng Dương, ông chủ tịch Chi hội 668 của hội Vietnam Veteran tại Guam. Triều Giang, hội trưởng hội VAHF, Bà Kim Chi Bottcher, Phó chủ tịch hội Liên Hiệp Phụ Nữ Á Châu Thái Bình Dương, ông phó chủ tịch Chi hội 668 Vietnam Veteran. Bà Bé Ba Amsden, chủ tịch Cộng đồng Người Việt tại Guam. (Ảnh Trùng Dương)

Phải: Đoàn quay phim và các than hữu tại trại tị nạn cũ Orote Point, thuộc đảo Guam. Công viên Asan và Orote Point là hai địa điểm đã từng là nơi tạm trú cho hàng nhiều chục ngàn người Việt tị nạn. Phái đòan thu hình tại đây cho phim tài liệu Viet Story do hội VAHF thực hiện với sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. (Ảnh Trùng Dương)

Trần Vũ trong một cảnh quay những nấm mộ người Việt tị nạn tại Guan. (Ảnh Trùng Dương)

Trần Vũ đang thu hình chiếc tàu nhỏ bé, rách nát, một trong những di tích thuyền nhân còn rải rác tại bờ biển của làng tị nạn Galang cũ. (Ảnh Trùng Dương)

Nghĩa trang trong làng tị nạn Galang, nơi là mồ chôn của trên 500 thuyền nhân VN và giấc mơ được sống tự do của họ. Thuyền nhân sống tại Galang thường gọi đùa là Galang 3. Vì đã có khu Galang 1 lo việc thủ tục giấy tờ. Khu Galang 2 là khu nhà ở và sinh hoạt. (Ảnh Trùng Dương)

Trần Vũ và ống kính tại một góc của Nghĩa trang Galang. (Ảnh Trùng Dương)

Đoàn quay phim Việt Story đang phỏng vấn chị Nguyễn Thị Yến Hương, đến từ Pháp, tại nghĩa trang Galang. (Ảnh Trùng Dương)

Hàng trăm thuyền nhân, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đầu đội khăn tang trắng biểu tình chống cưỡng bách hồi hương vào khoảng năm 1994 tại Galang. Tấm hình bắt đầu phai mờ vì thời gian và bụi bặm tại Viện Bảo Tàng trong làng tị nạn Galang. (Ảnh Trùng Dương)

Ống kính Trần Vũ đang thu cảnh sóng gió của vùng biển Nam Dương. Sóng gió là một trong những lý do chính gây tử vong cho thuyền nhân. (Ảnh Trùng Dương)

Di tích thuyền nhân được dựng thành đài tưởng niệm trên đảo KuKu cùng với dự định phát triển ngành du lịch của chính phủ Nam Dương. (Ảnh Trùng Dương)