Hơn 10 Tôn Giáo, Hội Đoàn Tổ Chức Gây Quỹ Gíúp Hội VAHF – Houston
on January 4, 2013 at 6:54 pmDạ Tiệc – Triển Lãm – Văn Nghệ “Hành Trình Viễn Xứ” – Đáp Ứng Nguyện Vọng Tha Thiết Của Giới Trẻ
Trong cái nóng rát bỏng của một mùa hè rực lửa với trên 70 ngày nhiệt độ trên 100 độ F tại thành phố Houston, đại diện của 11 tổ chức tôn giáo và hội đoàn đã có những buổi họpliên tiếp tại Trung tâm Nhà Việt, để chuẩn bị cho việc tổ chức buổi Triển lãm-Văn Nghệ-Dạ tiệc-Dạ vũ gây quỹ sẽđược tổ chức vào ngày 21 tháng 10 sắp tới tại nhà hàng Kim Sơn, trên đường Bellaire thuộc khu thương mại Houston, để giúp hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) có đủ kinh phí hoàn thành chương sử của người Mỹ gốc Việt để đưa vào học đường Hoa Kỳ.
Hơn 10 tổ chức cùng nắm tay đáp ứng nguyện vọng của giới trẻ
Trên 10 Hội đoàn họp tại Nhà Việt
để chuẩn bị cho việc tổ chức buổi gây quỹ giúp hội VAHF vào ngày 21 tháng 10 sắp tới. Hàng trên từ tái sang phải: Bác sĩ Trần Văn Thuần, Phó Ban Tổ chức, bà Nguyên Linh (Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long), Bà Dương Ấu Oang (Gia Đình Trưng Vương Houston) Ông Phong Nguyễn (VAHF), Cô Ann Pham (VAHF). Hàng sau: Ông Đỗ Kim Bảng (Câu Lạc Bộ Luật KHoa), Cư sĩ Nguyễn Anh Dũng, và Ông Huỳnh Công Tủ (Phật Giáo Hòa Hảo Houston), Bà Nancy Bui (VAHF), Tiến sĩ Đặng Thiệu (VAHF),Trưởng ban Tổ chức, ông Nguyễn Thu Tiên (Nhóm Cựu Sinh Viên Kiến Trúc), Cô Loa Nguyễn (Trung tâm Nhà Việt). (Hình của Bs.Trần Văn Thuần)
Buổi gây quỹ sẽ bao gồm một cuộc triển lãm lớn nhất từ trước tới nay của hội VAHF “Di Sản Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt”, một chương trình văn nghệ đặc sắc với chủ đề “Hành Trình Viễn Xứ” với sự góp mặt của các MC, nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp cũng như tài tử như: Nam Lộc, Thanh Lan, Thái Hà, Ngọc Long, Kim Khánh, Phương Nga, Mimi Nguyễn và đặc biệt là những màn trình diễn văn nghệ cổ truyền của Ban Đàn Tranh Hương Xưa, Ban Hợp ca Quan Họ Bắc Ninh và ban nhạc The Ocean. Để góp bàn tay, tất cả những nghệ sĩ nêu trên đã không lấy thù lao hoặc thù lao tượng trưng.
Hoà Thượng Thích Huyền Việt, trụ trì chúa Liên Hoa tham dự chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn do hội VAHF thực hiện tại văn phòng của Đài Phát thanh Saigon Network tại Houston trong tháng 3, 2011 vừa qua. (Hình Trùng Dương)
Ngoài các vị lãnh đạo tinh thần của bốn tôn giáo trong vai trò cố vấn như Hoà Thượng Huyền Việt, trụ trì chùa Liên Hoa, Thượng Toạ Thích Giác Đẳng, chùa Pháp Luân, Linh mục, y sĩ Phạm Hữu Tâm, nhà thờ Ngôi Lời, Cư sĩ Nguyễn Anh Dũng, Hoà Hảo Houston, Mục sư Nguyễn Đình Di, Hội Thánh Tin Lành Liên Hiệp Việt Nam, còn có sự tiếp tay của các hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, Gia đình Trưng Vương, Câu Lạc bộ Luật Khoa, Nhóm Cựu Sinh viên Kiến Trúc tại Houston, Trung Tâm Nhà Việt, và Hội Văn Hoá Khoa Học .
Đại tá Nhảy dù Hoa kỳ Lương Xuân Việt, diễn giả danh dự
Hình trên phái đòan các chị tình nguyện viên, ngồi, chụp hình lưu niệm với một số các hội viên trẻ của hội VAHF và cũng là hội viên uNAVSA, đứng, từ trái, Phạm Hoài, chuyên viên kỹ thuật, Paul Khang Nguyễn, đại diện của VAHF với uNAVSA, Lê
Đặc biệt, Đại tá Nhảy Dù Quân Lực Hoa Kỳ Lương Xuân Việt cũng vừa thông báo cho Ban Tổ chức biết: Quân đội Hoa kỳ vừa phê chuẩn lời yêu cầu của ông về Houston để tham dự buổi gây quỹ cho hội VAHF. Ông sẽ về và mặc quân phục để làm diễn giả danh dự với đề tài “Những Hành Trình Tuyệt Vời Của Người Mỹ Gốc Việt” (Celebration of Amazing Journeys). Vị Đại tá Nhảy dù người Mỹ gốc Việt, 46 tuổi, thuộc thế hệ một rưỡi, cũng sẽ nói về hành trình của chính ông và gia đình ông, hành trình của một thiếu niên tị nạn Việt Nam, có cha là một cựu Thiếu tá trong binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến của Quân Lực VNCH, đến Hoa kỳ năm 1975 và bắt đầu cuộc đời từ một khu phố nghèo nàn tại vùng Los Angeles. Hơn 30 năm sau đã trở thành một Đại tá tác chiến trong ngành nhảy dù với những thành tích lẫy lừng làm hãnh diện cho cộng đồng người Việt và làm gương sáng cho giói trẻ.
Ước vọng thiết tha của giới trẻ
Nina Lu, sinh viên cao học ngành xã hội chính trị học, đại diện Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Hoa kỳ và Canada (uNAVSA), tổ chức đã bảo trợ và hợp tác với hội VAHF qua chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn, cũng sẽ có mặt để cám ơn các bậc cha anh đã hy sinh cho họ có đới sống hiện tại và còn nỗ lực để lại một chương sử giá trị để các em có thể học hỏi và hãnh diện về nguồn gốc của mình. uNAVSA hiện có 119 chi hội trên toàn nước Mỹ và Canada. Khi uNAVSA quyết định bảo trợ cho chương trình, các em đã đưa ra 3 mục tiêu:
1- Để thay thế sự thực của lịch sử vào tài liệu sai sót đang giảng dạy trong học đường.
2- Để san bằng xa cách giữa thế hệ người lớn và tuổi trẻ bằng cách học hỏi những gì họ đã trải qua để cho các em có đời sống hôm nay.
3- Để đem lại sự gần gũi giữa 119 hội Sinh Viên VN trên toàn quốc vì hiểu biết được rằng chúng ta cùng một nguồn gốc
Và để đạt được 3 mục tiêu đó, các em đã đi rửa xe, bán phở, làm văn nghệ để gây quỹ trong gần một năm trời. Kết quả các em đã quyên góp được gần $60 ngàn đô la để giúp hội VAHF thực hiện trên 500 cuộc phỏng vấn tại 6 thành phố trên nước Mỹ trong hơn một năm qua. uNAVSA cũng đã cử các sinh viên tham dự các buổi phỏng vấn, lo việc quay phim và kỹ thuật cho hội VAHF.
Nguyễn, giám đốc chương trình 500 Lịch sử Truyền khẩu, và Roger Lê, chuyên viên trang mạng của hội VAHF. (Hình Trùng Dương)
Buổi thuyết trình của VAHF về thành quả cuả chương trình 500 Lịch sử Phỏng vấn, trước gần 500 sinh viên đến từ 36 tiểu bang và thành phố tại Denver.(Hình Trùng Dương)
Trong Đại hội 8 của uNAVSA tại Denver vào cuối tháng 7 vừa qua, hội VAHF đã triển lãm những kết quả mà hai hội đã đạt được. Gần 500 sinh viên VN đên từ 36 tiểu bang và thành phố khác nhau ngồi im phăng phắc để lắng nghe tường trình và xem một số đoạn phim trích từ 514 cuộc phỏng vấn. Khi đèn bật sáng, tràng pháo tay vang dội không dứt, những cặp mắt đỏ hoe đã khóc vì xúc động. Các em sau đó đã trở về trường và viết trong bản góp ý cho ban tổ chức đại hội uNAVSA 8 những giòng chữ còn mang đầy xúc cảm: “Trong 3 ngày Đai hội, bài tường trình của hội VAHF đem lại nhiều xúc động cho em nhất”, “Em cảm thấy hãnh diện vì mình là người Mỹ gốc Việt”, “Em thấy thương cha mẹ mình nhiều hơn bao giờ hết!”.
Đại diện Đại học Texas (UT) Austin gặp cộng đồng
Tiến sĩ Madeline Hsu, giám đốc Trung Tâm Á Châu Học tại Đại học Texas (UT) đã hợp tác với hội VAHF từ năm 2008 qua chương trình 500 Lịch Sử Phỏng Vấn (Hình UT)
Cũng trong dịp này, đại diện của Viện Á Châu Học (CAAS), thuộc Đại học Texas (UT) tại Austin sẽ đến để trình bày với cộng đồng người Việt về vấn đề mà nhiều người đang mong đợi, đó là chương trình làm việc của họ trong việc xử dụng những tài liệu của hội VAHF đã sưu tầm trong gần 7 năm qua. Bà Madeline Hsu, Giám đốc CAAS cho biết mặc dù UT cũng ở trong hoàn cảnh bị cắt giảm ngân sách trầm trọng, UT quyết định vẫn tiếp tục giúp hội VAHF, UT sẽ mướn một Tiến sĩ Giáo sư Sử học trong 3 năm để viết những tài liệu đã thu thập được làm thành sách giáo khoa từ lớp mẫu giáo tới đại học và sẽ giới thiệu tới các trung tâm giáo dục khác. UT mong mỏi vộng đồng người Mỹ gốc Việt tiếp tay để công việc được hoàn tất một cách tốt đẹp.
Nhu cầu cấp bách của VAHF
Bà Nancy Bùi Hội trưởng hội VAHF cho biết: hội đã hoàn tất phần phỏng vấn, phần còn lại là phần chuyển ngữ và phiên dịch để đưa lên thư viện điện tử và làm phìm tài liệu Việt Story. Kinh phí dự trù là khoảng $250 ngàn, hội đã quyên góp trên $80 ngàn, phần thiếu hụt là $160 ngàn. Bà cũng bày tỏ lòng biết ơn các vị lãnh đạo các tôn giáo, các hội đoàn, các cơ quan truyền thông, cơ sở thương mại, và tất cả mọi người đã và đang nỗ lực giúp hội qua mọi hình thức, công sức, tài chánh. Bà phát biểu:
“Nhiều người trong đó có tôi thường nghĩ rằng, thật khó để có sự đoàn kết trong công đồng người Việt, nhưng qua nỗ lực này, tôi tin tưởng rằng, cộng đồng chúng ta vẫn có thể đoàn kết được, một khi mọi người nhìn thấy sự cần thiết và ích lợi lâu dài. Đây chính là niềm vui và hy vọng của chúng ta và tấm gương sáng cho giới trẻ. Các em luôn mong ước cha anh đoàn kết và bắt tay nhau làm những công việc tốt cho ích lợi chung”
Bà mong mỏi đồng hương Houston đến với buổi gây quỹ để tìm hiểu về sinh hoạt và thành quả mà theo bà không riêng gì của hội mà phải nói của tất cả cộng đồng người Việt hải ngoại đặc biệt là đồng hương Houston. Quý vị không đến được cũng có thể đóng góp. Bà cũng cho biết hội cũng đã tạo thuận tiện cho các vị ân nhân muốn đóng góp bằng PayPall, xin vào trang nhà: www.vietnameseamerican.org và nhấn vào nút “Donate”.
Tiếp tay cho chương trình hữu ích, lâu dài
Một công tác nặng nề
Người viết đã liên lạc với một số quý vị trong Ban Tổ chức, và các nhà bảo trợ để hỏi lý do họ nỗ lực tham gia và đóng góp để hỗ trợ cho hội VAHF. Dưới đây là những ý kiến cuả họ:
Linh Mục Phạm Hữu Tâm: “Thứ nhất là hội đang thực hiện một công tác có giá trị thời gian; thứ hai là qua sự ghi chép để phản ảnh trung thực những sự kiện xảy ra trong một thời gian quan trọng của lịch sử. Và lý sau cùng là để tiếp tay với những người đang đóng góp thực hiện một chương trình hữu ích cho cộng đồng”
Hoà Thượng Huyền Việt; “Tất cả những chuyện làm hướng về một mục đích chung đều cần có sự hỗ trợ của mọi người. Hội VAHF đã đứng ra lãnh nhận một công tác nặng nề, chúng tôi dù bận với bao nhiêu nghĩa vụ khác, nhưng chúng tôi không thể không tích cực đóng góp một bàn tay”
Góp phần cho thế hệ một rưỡi và thứ hai
Cư sĩ Nguyễn Anh Dũng: “Xuyên qua quá trình hoạt động của hội VAHF, hội đã thực hiện những cuộc phỏng vấn rất công phu. Hội có cả những người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai đang nhiệt thành ghi nhận những sự đóng góp của cha anh.”
Ông Huỳnh Công Tử, một đạo hữu Phật giáo Hòa Hảo, ông cư ngụ vùng vịnh Houston.
”Mình nhất quyết phải làm cho được trang sử này. Tôi sẽ kêu gọi các đạo hữu Hòa Hảo khắp nơi, rồi bà con sinh sống dưới vùng biển, mỗi người một tay. Phải lo cho được phần tài chánh để giúp giới trẻ.”
Bà Mục sư Nguyễn Đình Di: “Bất cứ việc gì có lợi cho cộng đồng, đặc biệt là các giới trẻ là có chúng tôi.”
Kiến trức sư Nguyễn Thu Tiên: “Chúng tôi ít khi tham gia những sinh hoạt của cộng đồng, nhưng sau khi nghe trình bầy về chương trình thì chúng tôi thấy rằng đây là một chương trình quá hay, quá quan trọng và cấp thiết, chương trình cần phải có sự giúp sức của mọi người ”
“Góp gió thành bão”
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, bút hiệu Thiện Ý: “Việc làm của hội VAHF là vô cùng hữu ích và cần thiết cho việc để lại tư liệu cho con cháu chúng ta sau này biết rõ căn cước của thế hệ cha, chú, ông bà. Chị hội trưởng lại là một cựu sinh viên Luật khoa, nên chúng tôi tất nhiên phải tiếp tay. Nếu quý hội viên VILAS không tham gia trực triếp cũng có thể đóng góp một chục, hai chục, góp gió thành bão và gửi chi phiếu về VILAS, số 4607 Dove Springs Dr. Houston, TX. 77066. Chi phiếu xin đề VAHF. Riêng Liên Hội Đồng Thường Vụ Đại Hội và Hội Đồng Điều Hành VILAS ủng hộ một bàn.
Ông Đỗ Kim Bảng, phó ngoại vụ của Villas: “Tôi thấy việc tổ chức rất chu đáo, nhiệt thành.“
Bảo tồn văn nghệ cổ truyền VN
Chị Nguyên Linh, hội trưởng hội Cựu Học Sinh Gia Long tại Houston: “Tôi được làm quen với hội từ tháng 3 vừa qua khi hội đến Houston. Tôi thật cảm động và muốn dành thời gian để giúp họ một tay.”
Chị Ngọc Sương, cựu nữ sinh Gia Long, người đại diện của Ban Đàn Tranh Hương Xưa: ”Khi được nghe mục đích của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hoá qua việc thực hiện một kỷ yếu của 500 người tị nạn để lưu lại cho thế hệ sau, chúng tôi nghĩ rằng đây là một việc làm cần thiết và cao quý, nên chúng tôi rất vui mừng muốn được đóng góp.”
Chị Loan Nguyễn, thành viên của Ban Quản trị và Giám đốc Thư viện Nhà Việt: “Ngoài việc em là thành viên của hội VAHF từ trước khi cộng tác với Nhà Việt, mục đích của hội VAHF cũng có những điểm tương tự với Nhà Việt đó là góp phần làm mạnh cộng đồng của mình qua văn hoá và tạo cơ hội liên kết giữa người Việt để giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt.”
Chị Nguyễn Phúc Anh Lan: “Hội Văn Hoá Khoa Học (VCSA) và Hội VAHF đều hoạt động trong lãnh vực văn hoá và lấy giới trẻ làm mục tiêu. Chúng tôi đã làm việc với nhau qua nhiều dự án. Lần này được cùng với các hội đoàn khác gây quỹ giúp hội VAHF có đủ tài chánh để hoàn thành dự án lớn và đầy ý nghĩa này là một điều rất vui cho hội VCSA.”
Gia đình Trưng Vương có số người đông đảo nhất trong Ban Tổ chức từ việc tổ chức tới tiếp thị và vận động. Các chị Tuyết Mai, Ấu Oanh, Diệu Loan, Ngân Khánh, Quỳnh Hoan, Ngọc Tân, Nga Dung,.. mỗi người giúp một công việc từ đóng góp cho chương trình văn nghệ, lẫn vấn đề tổ chức, vận động, bán vé, liên lạc,… Chị Dương Ấu Oanh phát biểu:
“Chúng tôi hết lòng ủng hộ bởi vì người đứng đầu chương trình là một cựu học sinh Trưng Vương. Mục đích của chương trình lại rất tốt đẹp. Khi hoàn thành sẽ soi sáng lịch sử của người Việt chúng ta tại Hoa kỳ.”
Nếu chúng ta không làm, thì ai sẽ làm thay cho chúng ta?
Tiến sĩ Đặng Thiệu, trưởng Ban tổ chức: “Các em của 119 trường đại học đã quyên được số tiền gần 60 ngàn đô la để giúp hội vào năm ngoái. Nhờ vào số tiền này mà hội đã thực hiện được trên 500 cuộc phỏng vấn. Họ đã đi quá nửa đường, không lẽ chúng ta làm ngơ, không tiếp tay để chương trình phải bỏ dở vì thiếu ngân khoản thì còn có gì đáng buồn hơn? Nếu chúng ta không làm, thì ai sẽ làm thay cho chúng ta?
Chúng tôi rất vui và mang ơn những vị đã hiểu đuợc ước vọng chính đáng của những ngưòi trẻ nên đã nhiệt tình đáp ứng. Ông bà Stevphen Lê, Tổng Giám đốc của công ty địa ốc Greatland Investment, đã nhận là nhà bảo trợ vàng (Gold sponsor) cho buổi gây quỹ. Hệ thống truyền thanh, truyền hình Sàigòn NetWork, và Truyền hình SBTN-DC là những cơ quan truyền thông luôn sát cánh và yểm trợ hội dưới nhiều hình thức từ những ngày đầu. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ nhiệt thành của giới truyền thông như: Báo Ngày Nay, Việt Báo, Trẻ, Người Việt Dallas, Việt Tribune, Báo Sàigòn Houston Cuối Tuần. Hệ thống truyền thanh Người Việt Hải Ngoại, Đài phát thanh Tiếng Nước Tôi,… Nhưng chi phí buổi tổ chức cũng rất cao, chúng tôi mong mỏi sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm bảo trợ, cùng đồng hương hãy mua vé tham gia đông đảo!”
Những tấm lòng từ hải đảo xa ngàn dặm
Và khi bài báo này sắp sửa lên khuôn, hội VAHF nhận được điện thư của Bà Kim Chi Botcher từ vùng đất xa xôi của hải đảo Guam; nơi hội VAHF đã đưa một phái đoàn 17 người đến thăm hải đảo năm 2006.
Lá cờ vàng VNCH đã tung bay cùng với cờ Mỹ và cờ của hải đảo Guam trong những ngày hội VAHF thăm đảo và cộng đồng người Việt tại đây vào năm 2006. (Hình VAHF)
“Mình có nhận được thư mời của chị gởi sang. Mình đã trình lên cho các cô, các bác, anh chị em trong ban hội đồng của hội VN ở đây. Dù cho Guam có xa vạn dậm, các anh chị, cô bác trong cộng đồng ở đây sẽ gây qũy và đóng góp một phần vào công cuộc bảo tồn văn hóa và lịch sử VN cho thế hệ con em của chúng ta sau này. Cộng đồng ở Guam xin chúc mừng hội đã thành công một bước quan trọng trong sứ mạng này. Của ít lòng nhiều, hội Việt Nam ở đảo Guam sẽ chuyển đến chị một chi phiếu trong một hay hai tuần nữa.”
Luồng gió từ hải đảo xa xôi đã làm mát lòng những người đang cố gắng vận đông cho buổi gây quỹ. Độ nóng tại Houston có lẽ cũng vì thế mà đã dịu xuống. Một niềm hy vọng đang dâng lên trước sự nắm tay đo đoàn kết của người Việt Houston và cả những người Việt từ những hải đảo xa xôi cho một công trình lợi ích cho giới trẻ hôm nay và mãi mãi.
Bộ sưu tập tù nhân chính trị Việt Nam tồn trữ tại văn khố của Việtnam Center. (Ảnh VAHF, 2008)
Cũng nên nhắc lại hội VAHF được thành lập tù năm 2004, với mục đích sưu tầm, gìn giữ, quảng bá và biểu dương văn hoá và lịch sử người Mỹ gốc Việt. Mục tiêu và môi trường hoạt động của hội là học đường Hoa kỳ. Hội đã hoàn thành được hai bộ sưu tập; Bước chân đầu tiên của người Việt tại Guam (2006), Tù Nhân Chính Trị VN (2008) đang lưu trữ tại Việt Nam Center, đại họcTexas Tech , tại Lubbock. Xin vào trang mạng sau đây để tham khảo: http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm. Và hội đang hợp tác với Đại học UT, Austin và Tổng hội Sinh Viên VN tại Hoa kỳ và Canada để thực hiện bộ sưu tập lớn nhất bao gồm tất cả các đợt di dân của người Việt vào Mỹ; bộ sưu tập 500 Lịch Sử Phỏng Vấn.
Mọi liên lạc, đóng góp xin thư về:
VAHF
P.O. Box: 29534
Austin, Texas. 78734
Email: info@vietnameseamerican.org
Quý vị muốn đóng góp trên mạng, xin vào trang nhà: www.vietnameseamerican.org và nhấn vào nút “Donate”
Triều Giang
09/11
Góp ý Mới nhất