nancy-destine-smith
Nancy Bui with VAHF, Destin Smith with the Office of the Associate Dean for Research, and Madeline Hsu director of CAAS
Đưa lịch sử truyền khẩu của người Mỹ gốc Việt Vào thư viện của hai đại học danh tiếng Hoa Kỳ
Trùng Dương
Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation – VAHF) cho biết vừa ký xong văn kiện ghi nhận sự hợp tác khai triển thành quả gồm 514 lịch sử truyền khẩu với phân khoa Nhân Văn (College of Liberal Arts – COLA) và hệ thống Thư viện Đại học (University of Texas Libraries – UTL) thuộc trường Đại học Texas tại Austin.
Qua sự hợp tác này hy vọng trong vòng đôi ba năm tới sinh viên và các nhà nghiên cứu về lịch sử người Việt tại Hoa Kỳ sẽ có thể, qua hệ thống Internet, với từ khoá (keyword) do UTL cung cấp, tra cứu từ một văn khố trực tuyến (online) thực hiện bởi một trong những đại học danh tiếng hàng đầu tại Hoa kỳ, bằng cả tiếng Việt và Anh, thay vì phải qua nhiều nguồn khác nhau, phần lớn bằng Việt ngữ.
Theo văn bản ghi nhận (Memorandum of Understanding – MoU) sự hợp tác giữa COLA và VAHF thì văn phòng khoa trưởng của phân khoa này sẽ giúp hội về nhân sự trong việc biên soạn và lưu trữ trực tuyến các câu chuyện truyền khẩu này. Để thực hiện mục tiêu trên, COLA sẽ giúp hội VAHF viết và nạp đơn xin tài trợ (grants), thiết lập và điều hành các ngân khoản thu thập được, cùng tuyển lựa nhân viên điều hành chương trình lịch sử truyền khẩu.
Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ Gốc Á (Center For Asian American Studies – CAAS)  thuộc phân khoa COLA sẽ cung cấp phòng ốc, tuyển chọn và huấn luyện một giáo sư  tiến sĩ  ngành sử làm việc từ hai tới ba năm để giúp việc chuyển ngữ , phiên dịch và đưa lên thư viện trực tuyến. Ngoài ra, theo văn kiện hợp tác, CAAS cũng sẽ tiếp tay trong việc lưu trữ, tổ chức và viết đơn xin tài trợ, cùng phân phối các tài liệu về lịch sử truyền khẩu này qua các phương tiện truyền thông của trung tâm.
Về phía VAHF, hội sẽ cung cấp các băng thu thanh và thu hình các cuộc phỏng vấn, xem xét các bản chuyển ngữ và phiên dịch các cuộc phỏng vấn, hợp tác trong việc viết đơn và xin trợ cấp tài chánh, định hướng và hoạch định chương trình nhằm hoàn tất bộ lịch sử truyền khẩu.
Bên cạnh văn kiện trên là một văn kiện ghi nhận ký giữa VAHF và hệ thống thư viện của trường đại học UT về việc huấn luyện nhân sự, lưu trữ và phổ biến văn khố lịch sử truyền khẩu qua hệ thống trực tuyến của UTL. Theo đó, ngoài việc thư viện UT sẽ giúp huấn luyện nhân sự VAHF cách sử dụng phần mềm chuyên môn của thư viện, họ còn cố vấn hội trong việc thiết lập một Web site dành riêng cho chương trình lịch sử truyền khẩu. Đặc biệt hơn cả là VAHF vẫn giữ trọn quyền sở hữu trí thức trên kho chuyện truyền khẩu này.
“Với sự tham gia của COLA, Đại học UT đã đưa việc hỗ trợ của chúng ta lên một nấc cao hơn,” Bà Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng VAHF, viết trong một lá thư gửi đến các hội viên gần đây để thông báo tin vui.
“Xin có lời chúc mừng đến tất cả chúng ta,” Triều Giang tiếp. “Công khó của chúng ta đã lôi kéo được sự chú ý của một đại học rất danh tiếng và đáng tin cậy là UT tại Austin, và đây là một thành quả tuyệt vời mà tất cả chúng ta, người Mỹ gốc Việt, đều nên tự hào.”
“Bộ sưu tập lịch sử truyền khẩu này sẽ minh chứng sự quan trọng trong việc bảo tồn, hiểu biết và truyền bá lịch sử của người Mỹ gốc Việt,” Bà Madeline Y. Hsu, giám đốc CAAS, cơ quan đã tận lực hỗ trợ chương trình 500 lịch sử truyền khẩu, phát biểu. “Trong nhiều cộng đồng thiểu số, lịch sử truyền khẩu là phương cách chính trong việc bảo tồn kinh nghiệm, văn hoá, căn cước và quan điểm của những nhóm thiểu số trong cuộc sống hàng ngày và thực tại phong phú của họ.”
“Tôi hy vọng là bằng việc bảo tồn các câu chuyện truyền khẩu này tại đại học UT và đưa chúng lên trực tuyến, các nhà nghiên cứu có thể tra cứu và kể lại một cách linh động việc làm thế nào mà người Việt đã trở thành công dân Mỹ và những cách mà người Mỹ đã, ngược lại, chịu ảnh hưởng của người Việt,” Bà Hsu tiếp, và thêm: “Tôi cũng hy vọng là bộ sưu tập này sẽ khích lệ các nhóm người Mỹ gốc Á khác nghĩ về tầm quan trọng của quá khứ của họ, và tích cực tìm cách ghi lại lịch sử và kinh nghiệm của chính họ.”
Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng Vietnamese American Heritage Foundation, trái, chụp hình lưu niệm với ông Destin Smith thuộc College of Liberal Arts (COLA) tại University of Texas, giữa, và bà Madeline Hsu, giám đốc Center for Asian American Studies thuộc COLA, sau khi ký văn kiện ghi nhận hợp tác. Ảnh http://www.utexas.edu/cola/centers/aas/news/4281
Hợp tác với UCI
Bộ Lịch sử Truyền khẩu của VAHF không chỉ được Đại học UT chú ý. Được biết, vài ngày sau khi ký văn bản ghi nhận với phân khoa Nhân Văn COLA và thư viện đại học UT, hội VAHF cũng đã ký xong một văn bản hợp tác, song hạn hẹp hơn, với Chương trình Lịch sử Truyền khẩu Người Mỹ gốc Việt (The Vietnamese American Oral History Project – VAOHP) thuộc Đại học California tại Irvine (University of California, Irvine – UCI), nhằm khai triển các cuộc phỏng vấn mà VHAF đã thực hiện tại Nam California.
Tiến sĩ Đặng Võ Thúy, người đã tình nguyện thực hiện một số phỏng vấn nhân dịp VAHF đến công tác tại Nam California vào cuối năm ngoái, mới được UCI tuyển dụng để điều khiển chương trình VAOHP của UCI. Theo MoU với VAHF thì VAOHP sẽ đảm trách việc chuyển ngữ, rồi lưu trữ trên hệ thống trực tuyến của thư viện UCI như một phần của Văn khố Đông Nam Á (Southeast Asian Archive).
Ngoài ra, Triều Giang cho biết, có ít nhất hai đại học ở Houston cũng đã ngỏ ý muốn tham dự vào việc khai triển thành quả của của VAHF. Cuộc thương thảo còn đang tiến hành.
Tiến sĩ Đặng Võ Thúy, phải, đuợc Đại học California, Irvine (UCI) tuyển dụng để điều hành chương trình Vietnamese American Oral History Project (VAOHP) và vừa ký văn bản ghi nhân hợp tác  giữa UCI và hội Vietnamese American Heritage Foundation (VAHF). Hình trên, Tiến sĩ Thúy, từng là tình nguyện viên của VAHF, chụp  chung với Luật sư Đỗ Phủ trước cuộc phỏng vấn tại toà soạn Việt Báo, Westminster, trong thời gian VAHF công tác tại đây. (Ảnh Trùng Dương, 11/2010)

Vài nét về chương trình 500 lịch sử truyền khẩu
Vào năm 2008, cộng đồng người Việt tại Austin và hội VAHF đã vận động thành công với Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á (Center For Asian American Studies – CAAS) thuộc phân khoa Nhân Văn tại đại học UT để mở môn học lịch sử và văn hoá người Mỹ gốc Việt, do giảng sư hồi ấy và nay là tiến sĩ Linda Ho Poché đảm trách. Để hoàn tất lớp học này, mỗi sinh viên với sự hỗ trợ của hội VAHF, phải thực hiện một cuộc phỏng vấn và làm thành lịch sử truyền khẩu của một người Mỹ gốc Việt để đưa vào chương trình 500 Lịch Sừ Truyền Khẩu do hội VAHF khởi xướng.
Cuối năm 2009, chương trình 500 Lịch sử Truyền khẩu được Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ (Union of North American Vietnamese Student Associations – uNAVSA) thuộc 119 trường đại học tại Hoa Kỳ và Canada nhận tài trợ. Các sinh viên đã sau đó phát động chiến dịch gây quỹ có tên là “Chương sử của chúng ta – Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt: Cha anh kể lại, Giới trẻ bảo tồn” (Chapter of Us – Vietnamese American History: Told by the Old, Preserved by the Young). Qua đó, các em đi rửa xe, bán phở, tổ chức văn nghệ, xin tiền bảo trợ (pledges) để nhẩy xuống hồ băng giá vào mùa đông, đấu giá hẹn hò (dating auction), tóm lại, bất cứ một hình thức nào gây quỹ được các em đều không từ nan, bên cạnh chuyện dùi mài kinh sử. Kết quả là 59,529 Mỹ kim các em uNAVSA đã gây được, kể cả phần “matching fund” với trên 12,000 Mỹ kim của công ty Macquarie Group Foundation mà các em đã vận động được.
Nhờ số tiền trên, hội VAHF, gồm các tình nguyện viên, nhỏ từ 19 tuổi và lớn cỡ 70 tuổi, đã trải 15 tháng, từ tháng 5-2010 tới tháng 7-2011, qua sáu thành phố nơi có đông người Việt tị nạn nhất để thực hiện các cuộc phỏng vấn, như San Jose và Westminster, California; Falls Church, Virginia; Houston, Texas; New Orleans, Louisiana; và Denver, Colorado. Mỗi cuộc phỏng vấn cá nhân kéo dài khoảng hai tiếng, về lịch sử gia đình, cá nhân, bối cảnh văn hóa và xã hội, kinh nghiệm chiến tranh, lý do bỏ quê hương ra đi, tới đây bằng cách nào, kinh nghiệm định cư, và các những đóng góp vào xứ sở Hoa Kỳ.
Dự tính tốn kém cho toàn bộ chương trình 500 lịch sử truyền khẩu, theo Triều Giang, là 250,000 Mỹ kim. Để thực hiện các công tác kế tiếp, như sang băng (transcript), dịch thuật các câu chuyện truyền khẩu, cùng là việc thực hiện phim tài liệu “Viet’s Story,” VAHF đã và đang phối hợp với các đoàn thể, hội đoàn địa phương để tổ chức những buổi sinh hoạt gây quỹ.
Một trong những sinh hoạt đó là buổi văn nghệ và dạ tiệc gây quỹ ngày thứ Sáu 21 tháng 10 tới tại Houston với chủ đề “Hành Trình Viễn Xứ,” do trên 10 hội đoàn địa phương đứng ra tổ chức. Đại tá Lương Xuân Việt của quân đội Hoa Kỳ và thuộc thế hệ 1.5 sẽ là diễn giả chính trong buổi sinh hoạt này. Đại tá Việt sẽ nói chuyện về hành trình di dân của chính ông và gia đình. Cũng trong buổi sinh hoạt này, hội VAHF sẽ triển lãm một số thành quả đã thu thập được, nhan đề “Di sản Văn hóa của người Việt tại Hoa Kỳ” (The Legacies of Vietnamese America).
Bộ 500 Lịch sử Truyền khẩu là bộ sưu tập thứ ba mà hội VAHF thực hiện kể từ khi thành lập vào năm 2004. Bộ sưu tập đầu tiên gồm tài liệu về cuộc di tản vào mùa xuân năm 1975 do chính quyền đảo Guam, trường Đại học Guam và một số căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đảo Guam tặng hội VAHF vào năm 2006. Bộ sưu tập thứ hai liên quan tới các cựu tù nhân chính trị và gia đình họ, The Families of Vietnamese Political Prisoners Association Collection (http://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.htm), hoàn tất vào giữa năm 2008, hiện được lưu giữ và bảo tồn tại Vietnam Center thuộc trường Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas. Chi tiết về việc chuẩn bị bộ sưu tập này có thể tìm thấy trong bài Trùng Dương phỏng vấn cô Ann Mallett, quản lý văn khố, tại Web link: “Chuyện Trò Với Ann Mallett Của Vietnam Center Về Việc Soạn Bộ Sưu Tập Tù Nhân Chính Trị Việt Nam,” http://www.hopluu.net/D_1-2_2-117_4-341_5-4_6-4_17-14_14-2_10-92_12-1/
Mọi liên lạc trao đổi, góp ý, xin gửi về Vietnamese American Heritage Foundation, P.O. Box 29534, Austin, TX. 78755, Telephone: (512) 844-9417, Telecopier: (512) 266-3819, E-mail: VAHF_info@yahoo.com, Web site: vietnameseamerican.org. (TD, 10/2011)


Video nói về Mục Đích và hoạt động của Hội VAHF:

http://www.youtube.com/watch?v=vZMv_NhKQT0
http://www.youtube.com/watch?v=XsJWFVWC84E&feature=related

Phỏng vấn về buổi dạ tiệc gây quỹ của Hội VAHF tại Houston ngày Oct. 21, 2011:

http://www.youtube.com/watch?v=kbijq8rHr1I&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=JRUv_hhfN7g&feature=related